10/19 mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng

06:08, 03/08/2014
.

Thời gian qua, trong khi ngành chức năng chủ trương xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm, thì qua lấy mẫu đi thử nghiệm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát hiện 10/19 mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng.

Từ 1/7 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chủ trương mở chiến dịch kiểm tra, xử lý người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng được thực hiện trên toàn quốc.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận, gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ. Những người đội mũ bảo hiểm tem bị mờ hoặc không có tem, hoặc mất tem sẽ không bị xử lý. Với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm theo Nghị định 171, với mức phạt từ 100.000-200.000 đồng.

Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia còn  phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chiến dịch tuyên truyền, ngăn ngừa người đi xe máy đội loại mũ không đúng, tập trung kiểm tra, xử lý, ngăn ngừa các cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán các loại mũ kém chất lượng, mũ không đạt tiêu chuẩn 3 bộ phận.

Điều đáng nói là trong khi cơ quan chức năng chủ trương phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm thì báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) về kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm 6 tháng đầu năm cho thấy, còn nhiều mẫu mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn được cung cấp trên thị trường.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố với 77 cơ sở sản xuất, kinh doanh với số lượng kiểm tra là 317 mẫu. Trong đó có 13 mẫu có nhãn hàng hóa không phù hợp quy định, 9 mẫu không có dấu hợp quy, không có giấy chứng nhận hợp quy là 24 mẫu.

Đặc biệt, đơn vị này đã lấy 19 mẫu đi thử nghiệm và kết quả là có tới 10 mẫu không đạt chất lượng theo QCVN2:2008/BKHCN.
 

                            Hàng nghìn mũ bảo hiểm kém chất lượng bị thu giữ
Hàng nghìn mũ bảo hiểm kém chất lượng bị thu giữ



Đáng chú ý, trong các đợt kiểm tra các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh giả mạo chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR lên mũ không phải mũ bảo hiểm tại 86/20 Trại Cá (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và 2 cơ sở sản xuất tại thôn Quế Ô, xã Chi Lăng (Quế Võ, Bắc Ninh), tiêu hủy trên 1.000 mũ bảo hiểm giả mạo chứng nhận hợp quy và nhiều tem nhãn vi phạm…

Còn theo kết quả kiểm tra của 5 Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương cho thấy, 11/19 mẫu mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN (4 mẫu chưa có kết quả). Trong đó cá biệt có An Giang, kiểm tra 8 mẫu thì cả 8 không đạt tiêu chuẩn.

Nhìn vào kết quả trên có thể thấy rất rõ tình trạng kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, ở sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, chất lượng cũng không đạt chuẩn như mũ bảo hiểm Thủy Tiên (Công ty Thủy Tiên), Vina Star01 (Công ty Quavi-Vina), Dulex (Công ty Á Long), GRS (Công ty Hoàng Quán)…

Các mẫu vi phạm đa phần đều không đạt tiêu chuẩn về độ bền đâm xuyên ở điều kiện thuần hóa A (nhiệt độ cao), độ bền va đập và hấp thu xung động ở điều kiện thuần hóa A, hệ số truyền sáng của kính chắn gió.

Từ đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị các cơ quan chức năng như các Chi cục Tiêu chuẩn Chất lượng, Quản lý thị trường, Công an… phối hợp trong công tác quản lý về chất lượng mũ bảo hiểm, thống nhất kế hoạch thanh kiểm tra đối với việc sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn.

Ngoài ra, các đơn vị cần kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh (kể cả bày bán ở vỉa hè, lòng đường) mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, nhập lậu, mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn với mũ bảo hiểm trên thị trường.

 

Theo VnMedia


.