Giảm nghèo bền vững

09:07, 02/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kỳ họp Quốc hội lần này đã thông qua Nghị quyết “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tới năm 2020”. Theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện các biện pháp để đạt được mục tiêu tới năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.

Đó là con số không ảo tưởng, nhưng không dễ để thành hiện thực, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện mục tiêu này. Lâu nay, nước ta đã có rất nhiều chương trình mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, tiến tới giảm nghèo bền vững ở những vùng đặc biệt khó khăn. Tổng số tiền đã rót vào cho các chương trình mục tiêu này là rất lớn, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ tới công cuộc giảm nghèo trên bình diện quốc gia. Và thực sự, những chương trình đã đạt được nhiều thành tựu.

Nhưng những vấn nạn nó để lại phía sau những con số giảm nghèo là không hề nhẹ nhàng. Đã có không ít những hộ thoát nghèo “một mùa” rồi sau đó nghèo trở lại, thậm chí nghèo hơn. Đã có những hộ không muốn thoát nghèo nữa, chỉ mong sao mình được “nghèo mãi” để hưởng các khoản tiền và hàng trợ cấp của Nhà nước. Lại còn những địa phương, những hộ “chạy nghèo” cũng chỉ với mục đích là làm sao nguồn kinh phí giảm nghèo cho địa phương mình không bị giảm đi, thậm chí tăng lên chứ không phải bị cắt. Thực tế đó cứ lặp đi lặp lại, còn mục tiêu thoát nghèo bền vững thì vẫn tít tận đẩu đâu.

Muốn cho “câu chuyện” này không kéo dài và lặp đi lặp lại, thì một khi Nghị quyết được ban bố và đi vào thực hiện, một khi tiền của Nhà nước và xã hội đã được bỏ ra cho mục tiêu, thì nhất thiết đi kèm theo đó phải là những cơ chế và các cơ quan giám sát, kiểm soát, kiểm tra hết sức chặt chẽ. Chứ không như lâu nay, rất nhiều địa phương đã cùng lúc thực hiện nhiều chương trình mục tiêu chồng chéo nhau nhằm thoát nghèo bền vững, cuối cùng người dân “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Có rất nhiều lý do cho sự thật này, nhưng lý do phổ biến nhất vẫn là “con cá không đi kèm với cái cần câu” và nhất là không đi kèm với “kỹ năng câu cá”, hoặc là “con cá” rơi chưa đúng đối tượng nhà nghèo. Không ai bày cho dân nghèo khi có vốn có tiền thì phải làm thế nào để thoát nghèo, lại là “thoát nghèo bền vững”. Nhiều khi, như với các dự án thủy điện có đền bù giải tỏa ở miền núi, tiền tỷ được nhà đầu tư “rộng rãi” phát cho dân…uống bia uống rượu, mua hàng xa xí phẩm, và lâm ngay vào cảnh nợ nần, bị con buôn xiết tiền đoạt của ngay khi vừa lãnh tiền. Vừa qua, khi tham gia chấm giải báo chí tỉnh Quảng Ngãi hàng năm, tôi đã được xem, được nghe, được đọc rất nhiều bài báo tập trung vào những tiêu cực trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi trong tỉnh. Và tôi đã giật mình.

Nếu cứ như thế này, thì không biết sang năm-2015-Quốc hội sẽ nhận được báo cáo kết quả như thế nào về nghị quyết “Đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo” mà hôm nay Quốc hội mới thông qua.
         

Thanh Thảo
 


.