Phương án 2 cho nông sản

09:06, 30/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm qua cảng Dung Quất cho hay, lẽ ra chuyến hàng của doanh nghiệp ông sẽ xuất vào đầu tháng 6, nhưng bên mua hàng, họ hẹn sang tháng 7 nhưng cũng chưa chắc là xuất được. Vốn bị “giam” trong lô hàng nọ lên đến hàng chục tỷ đồng. Bao nhiêu tiền lời, giờ “nuôi” ngân hàng.

Nguyên nhân là đang bị “trục trặc kỹ thuật” chung quanh câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981, vì hàng này xuất sang Trung Quốc. Thực hư thế nào chưa rõ, song có một thực tế là, tất cả các loại hàng hóa nông sản của Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi đang đứng trước một thử thách lớn, đó là làm cách nào để xuất khẩu nếu như thị trường Trung Quốc đóng sập cánh cửa lại?
 

Không cứ gì gỗ dăm, mặt hàng đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách và người trồng keo tỉnh nhà suốt  thời gian qua mà các loại hàng hóa khác cũng bị ảnh hưởng nặng kể từ khi giàn khoan Hải Dương xuất hiện tại Hoàng Sa của Việt Nam.

Quảng Ngãi đang hướng tới tỉnh công nghiệp, song thực tế là có đến 80-90% người dân vẫn còn dựa vào ruộng đồng. Ai cũng biết, làm lúa chỉ đủ tự cung tự cấp, khỏi đói là may chứ nói gì đến chuyện làm giàu. Cây mía thì ba hồi kia ba hồi nọ, người trồng mía cũng không khá được từ loại cây truyền thống này. Hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi Nhà máy tinh bột mì xuất hiện, người nông dân có thêm sự chọn lựa để trồng cây gì trên mảnh đất của mình. Và họ đã chọn cây mì, sau cây mía. Với cách thu mua sản phẩm khá thông thoáng, giá cả lại không đến nỗi nào, hàng ngàn gia đình đã có của ăn của để từ loại cây này.

Nhà máy tinh bột mì chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, xem như khách hàng truyền thống và lâu dài của mình. Cùng với cây mì, cây dưa cũng được trồng ồ ạt và cũng đã đổi đời đối với một số nông dân. Nhưng dưa cũng lại xuất sang Trung Quốc. Rồi đến lượt cây keo lai. Nông dân các huyện vùng cao đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trồng loại cây mới mẻ này. Các nhà máy chế biến gỗ dăm mọc lên khắp nơi, như là chỗ dựa của người trồng keo. Mấy năm qua, cây keo lai thật sự thành lực hút đối với đồi trọc đất hoang ở các huyện miền núi. Người trồng keo cũng đã có cuộc sống khấm khá hơn. Loại cây này lại cũng chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc!

Trong kinh doanh, chỗ nào có lợi hơn thì bán hoặc mua. Trung Quốc lại là thị trường “dễ tính”, vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngần ngại để xuất hàng sang Trung Quốc mà không nghĩ, hoặc chưa nghĩ đến phương án 2 nếu như thị trường “quen thuộc” ấy không nhận hàng mình nữa. Hàng chục năm qua, thị trường Trung Quốc chưa bao giờ “ấm mình” với các loại nông sản từ Việt Nam, điều đó càng làm cho các doanh nghiệp chủ quan hơn. Để bây giờ, “sự cố” xảy ra, chúng ta thật sự bối rối. Người chịu thiệt trước tiên là doanh nghiệp xuất khẩu, người gián tiếp là nông dân.

“Cần có phương án 2”, đó không chỉ là phương châm trong kinh doanh mà là việc cần làm ngay lúc này để tìm lối thoát cho hàng vạn nông dân. Trong cái khó, ắt sẽ ló cái khôn. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu tìm đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để giải phóng đầu ra cho nông sản. Đây là tín hiệu vui cho nông dân tỉnh nhà vậy.

TRẦN ĐĂNG
 


.