5 phút đầu giờ cho Biển Đông!

02:05, 21/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ ngày 14.5.2014 có một ý kiến rất hay của nhà giáo Nguyễn Văn Công ở Đồng Nai. Nhà giáo Công coi đề nghị này của mình là “điều mong ước”, còn tôi lại mong toàn bộ ngành giáo dục Việt Nam nên đưa ngay sáng kiến của nhà giáo Nguyễn Văn Công thực hiện trong tất cả các lớp học, tất cả các cấp học thuộc ngành giáo dục.

Sáng kiến đó là: Mỗi buổi học dành 5 phút đầu giờ để truyền tải những thông tin mới nhất về Biển Đông cho các em học sinh, sinh viên.

Theo tôi, đây là “việc cần làm ngay” của ngành giáo dục. Tôi nghĩ, tất cả các giáo viên thuộc ngành giáo dục đều sẵn sàng cho “5 phút đầu giờ về tình hình Biển Đông” này, và sẽ không một giáo viên nào “nói năng ấp úng” về vấn đề này cả. Toàn bộ thông tin đều được cập nhật bởi báo chí Việt Nam, từ báo in tới báo điện tử. Hoàn toàn không thiếu tài liệu cho “5 phút đầu giờ” này, và càng không thiếu nhiệt tình, lòng yêu nước của giáo viên khi truyền đạt không chỉ thông tin mà cả ngọn lửa cháy rực của tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo Việt Nam cho các em học sinh, sinh viên.

Lâu nay, những thông tin, những bài học chính thức và không chính thức về biển đảo Việt Nam, nhất là về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng năm 1974, về đảo đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc bất ngờ tấn công chiếm đóng vào ngày 14 tháng 3 năm 1988.

Đó là những thông tin mà tất cả các em học sinh, từ cấp 1 tới đại học ở Việt Nam phải được biết một cách rõ ràng, từ đó mới lý giải được vì sao khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan HD 981 đặt sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi 119 hải lý. Với thời gian chỉ 5 phút đầu giờ, thì nếu muốn giải thích cho học sinh, và nhất là cho học sinh THPT hay sinh viên tường tận, giáo viên sẽ phải mất “nhiều lần 5 phút đầu giờ”. Và đó là việc phải làm, phải nói cho học sinh và sinh viên biết rõ về những quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, mà cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để thế hệ trẻ tiếp tục ra sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đây là thời điểm rất nhạy cảm, rất thách thức, nhưng cũng là cơ hội để học sinh và sinh viên Việt Nam hiểu tận cội rễ những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, hiểu được vì sao Việt Nam phải kiên trì, bằng những biện pháp hòa bình, nhưng không lùi bước để bảo vệ cho bằng được chủ quyền biển đảo của quốc gia mình.

Chúng ta có bao nhiêu kilômét vuông trên Biển Đông, có những đảo và quần đảo nào trên Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, tất cả các em học sinh và sinh viên Việt Nam đều phải biết.

5 phút đầu giờ liên tục trong tất cả các buổi học, Biển Đông sẽ đi vào ý thức, vào tình cảm, vào tâm khảm học sinh Việt Nam.         
 

Thanh Thảo
 


.