Vai trò quản lý của chính quyền địa phương ở đâu?

08:04, 16/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 3.2014, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 5 công ty tổ chức kinh doanh xăng dầu tại xã Bình Chánh (Bình Sơn)  nhưng đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, khiến không ít người lo ngại. Đó là, Công ty TNHH MTV Huy Hợp, Phương Bằng, Thịnh Vương, Thanh Vân và Vinh Hoa. Với hành vi đó, các công ty đã bị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 200 triệu đồng (40 triệu đồng/đơn vị). Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các công ty trên lập đầy đủ các thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Vụ việc này sẽ không có gì đáng nói nếu như xăng dầu không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Và cũng chính vì lý do này mà dư luận đặt vấn đề cần xem lại vai trò quản lý Nhà nước của UBND xã Bình Chánh trong lĩnh vực này. Bởi lẽ, trong vụ việc này không thể nói chính quyền và các lực lượng chức năng ở xã Bình Chánh, UBND huyện Bình Sơn không biết được, vì các công ty này hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật, trong một thời gian dài.

Cũng phải nói rằng, trong vụ việc này, các chủ doanh nghiệp cũng không ý thức hết trách nhiệm của mình, xem nhẹ văn hoá kinh doanh, lợi ích của chính bản thân doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng. Nếu sự việc không bị  lực lượng quản lý thị trường phát hiện, đề nghị xử lý kịp thời thì coi như "những quả bom lửa" hiển nhiên tồn tại trong khu dân cư. Mà như thế thì khi gặp hoả hoạn xảy ra chắn chắn sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng cho chính bản thân doanh nghiệp và cho cả xã hội.

Chúng ta đang tập trung xây dựng một chính quyền gần dân, sát dân, nhưng UBND xã Bình Chánh lại để xảy ra sự việc trên là điều rất đáng phải suy nghĩ. Bởi lẽ, những vụ việc tương tự như thế này thời gian qua xảy ra tương đối nhiều, không chỉ bó hẹp trong địa bàn xã Bình Chánh mà khắp các địa phương trong tỉnh đều có. Vụ việc gạo dự trữ lũ lụt cất kín trong kho nhiều năm liền dẫn đến mốc tại một xã nọ ở huyện Sơn Hà mà lãnh đạo xã, huyện đều không hề hay biết là một trong rất nhiều vụ việc biểu hiện sự xa dân của chính quyền.

Xây dựng một chính quyền gần dân, sát dân không phải chỉ để chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với dân, giúp dân tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống; mà còn là điều kiện để phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh trong dân khi còn trong mầm mống. Bài học về sự chủ quan, duy ý chí, xa rời dân đã để lại nhiều hệ quả nặng nề trong thời gian qua, chắc chắn sẽ không bao giờ cũ đối với các cấp chính quyền nói chung và bản thân mỗi đồng chí lãnh đạo nói riêng.
      

 Phú Đức


 


.