Luật Doanh nghiệp hiện hành bộc lộ nhiều khiếm khuyết

09:04, 21/04/2014
.

Tiếp tục phiên làm việc, chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
 


Báo cáo Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về đánh giá Luật Doanh nghiệp hiện hành và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần duy trì tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ cũng chỉ rõ, sau gần 8 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp 2005 đã bộc lộ một số khiếm khuyết như về thủ tục thành lập doanh nghiệp; vốn, góp vốn, tăng vốn; quản trị doanh nghiệp; minh bạch hóa thông tin...

Những khiếm khuyết đó đã trở thành nguyên nhân làm cho gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường ở nước ta trở nên phức tạp và tốn kém hơn mức cần thiết, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Khiếm khuyết trong Luật hiện này cũng đã làm cho việc quản trị doanh nghiệp nói chung, nhất là công ty cổ phần, trở nên kém linh hoạt, tăng thêm chi phí tuân thủ và làm chậm quá trình ra quyết định của doanh nghiệp,…

Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, thực tế nói trên đã và đang làm cho môi trường kinh doanh ở nước ta luôn bị đánh giá ở mức không cao trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi nhằm khắc phục các khiếm khuyết trong nội dung các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp 2005 đã trở nên cần thiết.

Giải phóng những vật cản

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Tờ trình đã nói được việc sửa đổi Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, khắc phục những tồn tại, “giải phóng” những cản trở trong thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Luật sẽ giải quyết vấn đề gian lận, hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật như thế nào thì chưa được làm rõ.

“Các đồng chí xem có ngành nghề nào mà không có vấn đề đó không. Cái gì gây cản trở thì Luật sửa đổi phải giải phóng nhưng những vi phạm, gây phức tạp thì phải có cách xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo cần nghiên cứu thể hiện các quy định theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 đảm bảo quyền tự do kinh doanh; nghiên cứu để thể hiện các điều cấm sao cho mọi người biết và thuận lợi trong chấp hành; làm rõ mối liên quan giữa các quy định trong Luật này với Luật quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Làm rõ hơn những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở chung, công khai minh bạch về thông tin kinh doanh để các doanh nghiệp kiểm soát lẫn nhau; đồng thời đề nghị tăng chế tài xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái. Với “công ty ma”, khi mạng quản lý đăng ký doanh nghiệp liên thông với tổng cục thuế công khai thông tin sau này sẽ đủ sức kiểm soát.

Về quyền tự do kinh doanh, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, việc cấm bằng luật pháp hiện nay có danh mục ở các văn bản khác nhau. Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc liệt kê luật hóa sẽ khó vì nhiều loại hình mới xuất hiện và biến động theo thời gian do quá trình phát triển đa dạng, phong phú. Hiện Bộ KH-ĐT đã có thống kê và sắp tới sẽ rà soát lại để thanh lọc.

Về Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Chính phủ đã cân nhắc và cho rằng không nên có riêng Luật DNNN để đảm bảo nền hoạt động kinh doanh bình đẳng. Phần đưa vào Luật quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quan tâm đến quyền quản lý của chủ sở hữu, còn trong luật này đưa thêm một số đặc thù riêng về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Nhấn mạnh Đề án được chuẩn bị công phu và là một trong những bộ luật sớm triển khai Hiến pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị cần rà soát thêm để đảm bảo thống nhất trong hệ thống luật; thể hiện nguyên tắc quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chính người lao động và cộng đồng xã hội...

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các hành vi bị cấm cùng các chế tài đủ mạnh kèm theo để quản lý; cần thiết có chương riêng về DNNN; đánh giá tổng kết thực tiễn về doanh nghiệp xã hội; xem lại quy định cấm trong điều về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp của người trong lực lượng quân đội và công an..../.



Ngọc Thành/VOV online


.