Lúa ngoài đồng và… ASIAD

04:04, 03/04/2014
.

Thanh Thảo

(Baoquangngai.vn)- Nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sống dở chết dở vì… được mùa lúa. Lúa càng nhiều càng… chết. Thương lái bỏ chạy không thu mua, nhà nước còn đang… hội thảo xem thế nào.

Ngày 15.3.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013 - 2014 ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/9/2014; mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/7/2014.

Vậy thì vì sao lúa gặp xong vẫn chất đống ngoài đồng, và nông dân ĐBSCL vẫn mỏi mắt chờ thương lái đến mua, mà thương lái vẫn bặt vô âm tín?

Bởi, với mức lãi suất cho vay tối đa 7%/năm, nhưng thương lái và Hiệp hội lương thực Việt Nam (độc quyền xuất khẩu gạo) lại tính đầu ra gạo xuất khẩu năm nay có thể bị rớt giá. Tính như thế, nên họ sợ lỗ nếu mua lúa của nông dân lúc này. Thế thì nông dân chỉ có nước… chờ. Những người sản xuất lúa gạo ở Việt Nam hoàn toàn không biết và không có khả năng tính toán giá lúa gạo thị trường quốc tế.

Trăm sự nhờ vào những Công ty xuất khẩu gạo của VN, cụ thể là Hiệp hội lương thực Việt Nam. Nhưng những Công ty này cũng tính không ra, vào những thời điểm giá lúa gạo quốc tế có biến động đi xuống và chưa biết bao giờ sẽ đi lên. Lúa gạo ĐBSCL là lúa gạo thị trường, y như lúa gạo sản xuất tại Thái Lan. Nhưng nếu “việc tính toán thời điểm áp dụng chính sách trợ giá lúa gạo của Thái Lan là một sai lầm lớn”, thì ngược lại, Việt Nam không phạm sai lầm nào, do không tính và tính không ra. Lúc giá gạo thế giới lên hơn 1.000USD/tấn, thì tranh mua tranh bán. Cái này thì Việt Nam làm tốt. Còn khi giá gạo thế giới hạ chỉ còn 390USD/tấn, thì… ngồi chờ. Và nông dân rát cổ kêu cũng không thấy tới mua giùm lúa. Phải chăng, đây là cái “độc” thứ ba, theo một vị đại diện ngân hàng, đó là “độc quyền xuất khẩu gạo”.

“Nếu Nhà nước vẫn độc quyền xuất khẩu gạo thì phải có vài công ty Vinafood mới đảm bảo quyền lợi cho hộ nông dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng được mùa được giá nhưng nông dân lại không được gì…”. Nghĩa là, ngay những thời điểm giá gạo thế giới cao vọt, nông dân cũng chả hưởng lợi được bao nhiêu, vẫn không thể đạt lợi nhuận 30% như Chính phủ đặt yêu cầu.

Trong khi lúa gặt ngoài đồng để rục rã chẳng ai đoái hoài, thì người ta lại đổ xô tới… ASIAD 2019. Chưa báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng chưa biết, đã đưa ra vận động tại Quốc hội. Tới khi công luận phản đối vì tính thiếu khả thi của vụ “đăng cai” này, khi người dân phản đối vì số tiền quá lớn (và chưa phải lúc) chi cho việc tổ chức ASIAD, thì ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam –  người đã cùng bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đứng đầu cuộc vận động đưa ASIAD 2019 về Việt Nam lại nói tỉnh bơ:

“Tôi về hưu rồi, tôi chỉ công tác ở Ủy Ban Olympic thôi. 150 triệu đô thì không phải to tát lắm so với đất nước Việt Nam. Tôi không tin chính phủ coi 150 triệu USD là lớn đâu. Tôi tin chính phủ Việt Nam sẽ vẫn tổ chức”.
 
Có thật Chính phủ không coi 150 triệu USD-hơn 3.000 tỉ VND-là không lớn, như ông Giang nói?

Nếu dùng 150 triệu USD tính tổ chức ASIAD ấy “cứu lúa” cho nông dân ĐBSCL, thì có thể cứu được hàng triệu hộ nông dân thoát cảnh phá sản vì trồng lúa.

Đó là việc rất lớn. Vì thế, Chính phủ rất cân nhắc chuyện đăng cai tổ chức ASIAD vào lúc này./.  
 
 


.