Chủ tịch Quốc hội: Không có tòa cấp trên cấp dưới

01:04, 22/04/2014
.

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo làm rõ nhiều nội dung.

Sáng 22/4, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cho biết trong dự thảo Luật quy định thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và quy định Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có các Tòa chuyên trách: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa giản lược.

Chủ tịch Quốc hội: Không có tòa cấp trên cấp dưới

Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình bày trước Thường vụ Quốc hội(Ảnh: Phạm Thịnh)
Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình bày trước Thường vụ Quốc hội(Ảnh: Phạm Thịnh)


Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng tại Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực nói chung có các Tòa chuyên trách là hợp lý, nhưng việc thành lập cụ thể những Tòa nào ở Tòa án sơ thẩm khu vực nào thì do Chánh án TANDTC quyết định căn cứ vào các tiêu chí cụ thể.

“Đối với Tòa gia đình và người chưa thành niên là Tòa mới đối với nước ta có trong tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm, nhưng trong Tờ trình TANDTC chưa thuyết trình rõ về sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Tòa này để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định. Vì vậy, UBTP đề nghị TANDTC bổ sung nội dung này vào Tờ trình Quốc hội”, ông Nguyễn Văn Hiện lưu ý ban soạn thảo.

Cùng quan điểm này, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc Hội cũng nêu ra thực tế số các vụ việc mà tòa án phải giải quyết người chưa thành niên ngày càng tăng.

Yêu cầu về tăng cường tính giáo dục trong xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật gắn liền với các chủ thể tham gia vào quan hệ giáo dưỡng là nhu cầu cấp bách.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đồng tình với việc nên thành lập Tòa Gia đình, người chưa thành niên như là một tòa chuyên trách của TAND các cấp.

Theo đó, Tòa Gia đình, người chưa thành niên sẽ giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa thành niên; các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, các yêu cầu về hôn nhân và gia đình có liên quan đến quyền và lợi ích của người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, tòa này sẽ xem xét quyết định biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Không có tòa cấp trên cấp dưới

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, dự thảo Luật quy định “Tòa án nhân dân được tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”.

Góp ý vào dự thảo luật, đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng chỉ nên quy định “Tòa án nhân dân được tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử” là phù hợp.

Bởi vì khi Tòa án nhân dân được tổ chức theo 4 cấp (gồm có TANDTC, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực) thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đề nghị làm rõ hơn những quy định này, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Tòa án không phải là bộ máy cơ quan hành chính. Thẩm quyền về xét xử cần được làm rõ hơn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Quyền của anh xét xử đâu phải là của Chánh án Toàn án nhân dân tối cao. Phải nói quyền của hội đồng thẩm phán chứ không phải quyền của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Quyền ở đây là của hội đồng thẩm phán. Điều này cần phải nói rõ".

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị làm rõ nội dung: "Các tòa chứ không phải các cấp tòa.Tòa nào cũng nhân danh nước CHXHCN Việt Nam tuyên án. Không có tòa nào hơn tòa nào cả. Luật này cần phải đảm bảo tinh thần ấy".

Mỗi vụ việc cần phải làm theo đúng trình tự xét xử. Tòa án này xử xong thì tòa kia xử lại. Việc xử 2 cấp nhưng độc lập. Không phải cấp trên cấp dưới.

"Vì vậy người ta mới nói là tòa án nhân dân là bao gồm tất cả các tòa, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ nhà nước Xã hội chủ nghĩa…", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ban soạn thảo: "Cơ quan xét xử là một tòa nhân dân. Nó ra đời thế nào, giữ quyền gì thì không làm rõ. Tổ chức thế nào đảm bảo độc lập. Thẩm quyền như thế nào để đảm bảo độc lập. Khi khác nhau thì anh quy định thế nào?

Nhiệm kỳ Thẩm phán

Đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội tán thành với quan điểm Thẩm phán TANDTC phải là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội, có thể được bổ nhiệm không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán khác, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 05 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo 10 năm là phù hợp.

Đa số ý kiến các đại biểu cũng tán thành với việc quy định kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán TANDTC. Theo đó, nam làm việc không quá 65 tuổi, nữ làm việc không quá 60 tuổi.

Đối với các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).

Đồng thời, quy định rõ Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

 

Theo VTC News


.