Thoát nghèo, tái nghèo

09:02, 20/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là cái vòng luẩn quẩn mà không ai, không hộ dân nào muốn mắc vào. Nhưng rồi lại cứ phải mắc. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH trước đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, thì do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, chiếm tỷ lệ 25-30% so với hộ thoát nghèo.

Trong những vùng miền có tỷ lệ hộ nghèo cao, thì các vùng miền núi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó có những vùng miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
 

Những con số báo cáo về số hộ thoát nghèo sau mỗi chương trình của Chính phủ đều được các địa phương “số hóa” khá rõ ràng. Thoát nghèo rất nhanh, nhiều khi chỉ sau một năm chương trình mục tiêu về tới địa phương. Nhưng, thoát nghèo nhanh, thì cũng như mỗi mùa nước lũ, lại tái nghèo cũng nhanh không kém. Những con số tái nghèo này lại ít được các địa phương, nhất là các địa phương miền núi, tổng kết chính xác và báo cáo kịp thời. Thành ra, cứ có cảm giác địa phương này địa phương kia tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 30%, thậm chí 20%. Nhưng cứ mỗi lần lãnh đạo tỉnh đi công tác về tận những làng xã còn nghèo, thì đều thấy cái nghèo của dân hiện ra sờ sờ trước mắt, và nếu ước đoán nhanh, tỷ lệ cũng trên 50% hộ nghèo.  

Thiết nghĩ, việc cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, cũng là việc bình thường và có thể hiểu được trong tình hình kinh tế hiện nay, kèm những tai ương lũ lụt, dịch bệnh năm nào cũng xảy ra trên diện rộng. Chấp nhận thực tế tỷ lệ hộ tái nghèo là 1/3, thì vấn đề không phải ở chỗ cố làm giảm nhẹ hay giấu bớt thực trạng, mà cần những phương án hữu hiệu hơn để điều chỉnh các chương trình mục tiêu xóa nghèo, làm sao qua mỗi năm, những chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Chúng ta phải tính khả năng thoát nghèo hay tái nghèo dựa vào khả năng lao động tái tạo của những hộ nghèo, trong khả năng ấy gồm cả kỹ năng và hiệu quả lao động, cũng như sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Nếu không tính được cách thoát nghèo căn cơ này, mà chỉ dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp, vào các chương trình mục tiêu quốc gia, hay các đợt cứu trợ khẩn cấp từ các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước thì việc tái nghèo của nhiều hộ dân là không thể tránh khỏi.

Chỉ xin đơn cử một việc: Trước Tết Giáp Ngọ, tiền ăn hàng tháng của học sinh dân tộc nội trú và cận nội trú (410.000đ/tháng) ở một số vùng miền núi Quảng Ngãi mới tới tay học sinh người dân tộc thiểu số. Nhưng tới một lúc…10 tháng luôn, nghĩa là mỗi học sinh được nhận 4,1 triệu đồng. Tự nhiên, như trên trời rơi xuống, các em sở hữu một món tiền to, mà chưa chắc cha mẹ các em đã biết. Vậy là dịp Tết này, nhiều em học sinh dân tộc “đi phượt” để tiêu cho hết số tiền “trời cho” đó. Sau Tết, vì nhiều lý do, nhiều em sau khi tiêu hết tiền bèn…nghỉ học luôn! Nên nhớ, đây là tiền ăn hàng tháng cấp cho các em học sinh, nhưng phải do nhà trường quản lý và tổ chức nấu cơm cho các em ăn để học, chứ không phải tiền cho các em tiêu chơi hay “đi phượt”. Nếu còn những chuyện như thế này, thì cái sự tái nghèo tất xảy ra dài dài, và không chỉ ở thế hệ những người lớn hôm nay, mà còn ở những thế hệ trẻ thơ sẽ là người lớn ngày mai nữa.

Thanh thảo
 


.