Xăng sinh học E5

04:12, 13/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực ra, gọi một cách chính xác là “nhiên liệu sinh học”, nhưng ta đang nói tới sản phẩm xăng Ron A92 pha hàm lượng bio-ethanol 5%, còn gọi là “xăng sinh học E5”, nên gọi như thế cho tiện.

TIN LIÊN QUAN

Xăng E5, nói cho ngay, mới chỉ có 5% là nhiên liệu sinh học, 95% còn lại là xăng Ron A92 “truyền thống”. Xăng sinh học E5 được pha 5% bio-ethanol (sản xuất chủ yếu từ lương thực như ngô, sắn, ngũ cốc và củ cải đường). Riêng Brazil lại sản xuất bio-ethanol từ mía đường, nhiều tới mức năm 2012 chính phủ Brazil xem xét chính sách công nhận ethanol là sản phẩm chính của mía và chuyển đường thành sản phẩm phụ. Xem ra như thế, việc trồng cây nguyên liệu để sản xuất ethanol đã trở thành nguồn thu nhập rất lớn ở những nước sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học.

Nước gần ta nhất là Thái Lan thì từ 2004 đã bắt đầu phân phối xăng sinh học và tới năm 2010, xăng sinh học E10 (tức có 10% ethanol) đã được bán rộng rãi trên toàn quốc. Hiện Thái Lan đã có kế hoạch dùng xăng E20, E85. Đây là kế hoạch dài hạn vì chỉ có xe ô tô sản xuất sau năm 2009 mới có động cơ tương thích để dùng những loại xăng này.

Từ năm 2007, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Hiện Việt Nam đã có 6 nhà máy sản xuất bio-ethanol từ sắn (mỳ) lát, với tổng công suất lên tới 500 triệu lít/năm.

Cái lợi đầu tiên và lớn nhất khi sử dụng xăng sinh học là cái lợi về bảo vệ môi trường. Nhiên liệu sinh học không gây tàn phá môi trường như nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ…). Cái lợi thứ hai là lợi cho người nông dân, lực lượng trồng sắn (mỳ) hay các cây nguyên liệu khác để cung cấp cho nhà máy ethanol. Như ở Brazil-đất nước trồng mía đường-thì việc nông dân có đầu ra ổn định, có thu nhập tốt khi trồng mía bán cho các nhà máy sản xuất ethanol đã góp phần đáng kể ổn định nền kinh tế Brazil.

Dĩ nhiên ở Việt Nam, việc trồng sắn mỳ cung cấp nguyên liệu sản xuất xăng sinh học sẽ giúp người nông dân có thu nhập khá. Còn nếu sau này ta khẳng định được nguyên liệu thay thế tốt hơn sắn mỳ, thì nông dân lại trồng nguyên liệu ấy cho việc sản xuất xăng sinh học.

Xăng sinh học là nhiên liệu thay thế thích hợp nhất trong thời đại cần quyết liệt bảo vệ môi trường. Việc nguồn nguyên liệu hóa thạch trong lòng trái đất dần cạn kiệt chỉ là một nguyên nhân để xăng sinh học có điều kiện thay thế và “lên ngôi”, chứ không phải điều kiện tiên quyết.

Nhưng, với người tiêu dùng xăng ở Việt Nam, việc sử dụng xăng sinh học E5 còn khá mới mẻ. Cái gì còn mới, chưa quen lâu nay, thì đôi khi thấy…ngại. Nhưng nếu được giải thích, giải trình rõ ràng về việc xăng E5 không tác hại đến động cơ, được khuyến khích bằng bảo đảm chất lượng xăng(không gây “trục trặc kỹ thuật” khi vận hành xe), và có giá cả cạnh tranh (xăng E5 có thể rẻ hơn xăng A92 từ 500-1000đ/lít), tôi nghĩ người tiêu dùng Việt Nam sẽ “vui vẻ” dùng xăng sinh học E5.

Vì, nghĩ cho cùng, dùng xăng ấy chỉ có lợi, chứ đâu có hại gì cho xe hay cho…túi tiền của mình. Ngược lại, có lợi cho môi trường là cái lợi chung, nhưng chính mình cũng được hưởng. Rồi, với thời gian, khi đã quen với xăng E5, trong tương lai, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiến tới dùng xăng sinh học E20 hay E85, những loại xăng nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang dùng. Họ dùng tốt, thì chắc chắn, ta dùng cũng tốt.       

Thanh Thảo
 


.