Đi nước ngoài như đi... chợ

10:12, 29/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo về con số các đoàn Việt Nam đi công tác nước ngoài (bằng tiền ngân sách Nhà nước, dĩ nhiên) trong năm 2013 là… 2.300 đoàn. Như thế là có “giảm” (năm 2012 là… 3.780 đoàn).

Khi nghe con số này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Các đồng chí đi nước ngoài nhiều quá, đi giao lưu tham quan trong nước chi phí lớn quá, tiếp khách chi phí lớn quá”. Và Thủ tướng đã nghiêm khắc yêu cầu tất cả các Bộ, ngành và các địa phương phải: “Hết sức chú ý, tăng cường quản lý chặt chẽ vấn đề này. Mới đây, tôi dự họp, nghe báo cáo có nước bạn nghe có đoàn Việt Nam đến người ta sợ rồi. Ta phải coi lại cái này, bây giờ có giảm nhưng vẫn còn 2.300 đoàn là quá lớn. Ta hết sức cân nhắc đoàn đi, yêu cầu đi, rồi số lượng người đi phải hết sức chặt chẽ".

Đi nước ngoài tới mức bạn quốc tế phải…sợ khi thấy đoàn Việt Nam tới, thì quả thật, không còn gì để nói nữa.  Bởi bình thường, mỗi khi đón khách phương xa tới thăm mình, tất cả các chủ nhà dù khó khăn tới đâu cũng phải cố gắng tỏ ra hiếu khách. Đó cũng là “phương diện quốc gia” của người ta, họ phải giữ. Nhưng một khi, cứ nhìn thấy đoàn Việt Nam tới thăm là… sợ, thì chứng tỏ các đoàn Việt Nam đã quấy quả họ quá giới hạn rồi! Chắc chắn, đó là những đoàn đi “tham quan, học tập”, nhưng có “kết hợp” để… shopping (mua sắm). Và tận dụng “mọi cơ hội hiếu khách” của chủ nhà để việc kết hợp của mình diễn ra “tốt đẹp nhất”.

Chưa cần phải ra nước ngoài, ngay ở trong nước thôi, nếu có một con số thống kê cụ thể hàng năm, chúng ta sẽ thấy được số lượng các đoàn “tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm” thuộc dạng “nội địa” đạt tới con số mà bất cứ ai cũng phải… choáng. Thủ tướng lo lắng là đúng, vì đây có lẽ là lần đầu tiên người ta mới báo cáo với ông con số cụ thể những đoàn đi công tác nước ngoài.

Không ai phủ nhận, có những đoàn đi công tác nước ngoài là rất cần thiết, rất hữu ích. Tiếc thay, số lượng những đoàn như thế không chiếm đa số trong 2.300 đoàn công tác nước ngoài năm 2013.

Nếu đi nước ngoài để học hỏi, mà bỏ tiền túi ra đi, thì tuyệt đối không ai nói gì cả. Nhưng nếu đi bằng tiền ngân sách, tiền Nhà nước, tiền nhân dân, mà “công tác” chủ yếu là… shopping, thì phải nên thế nào nhỉ?

Việc kiểm tra, kiểm soát những đoàn đi công tác nước ngoài, theo chỉ đạo của Thủ tướng, không phải là không làm được. Phải coi đó là chuyện “tiêu tiền chùa” của Đảng, của dân, chứ không chỉ là “lãng phí”.

Một đoàn công tác nước ngoài dù rất ít người, nhưng nếu có mục tiêu cụ thể, có chương trình làm việc cụ thể, và tính được kết quả của cả chuyến đi, thì Chính phủ không bao giờ ngăn cản hay “làm khó” họ cả. Vì họ mang lại lợi ích cho quốc gia, cho địa phương, những lợi ích có thể tính rõ ràng bằng tiền. Bởi quy trình “quan hệ-hợp tác-hợp đồng-lợi ích-lợi nhuận” là không thể chối cãi. Có điều, để thực hiện quy trình ấy, thì mọi bước đều phải cụ thể, rõ ràng, và khả thi.

Thanh Thảo
 


.