"Bảo mẫu ác ôn"

02:12, 22/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong vài năm trở lại đây, liên tục xuất hiện những video clip ghi lại rõ ràng những hình ảnh khủng khiếp về một số “bảo mẫu ác ôn” đánh đập, hành hạ tàn bạo trẻ em ở tuổi mầm non tại các “nhà trẻ”. Không thể gọi những cơ sở giữ trẻ, dù là cơ sở tư nhân, dù là giữ chui, không giấy phép, không thèm báo cáo các cơ quan quản lý này là gì ngoài một danh xưng đã có hơn nửa thế kỷ nay: Nhà trẻ.

Nhìn những “cô bảo mẫu” đấm, tát, dìm nước những đứa trẻ chưa đầy hai năm tuổi tại các “nhà trẻ” còn ác hơn trại tập trung này, người ta cũng chỉ biết gọi họ là “bảo mẫu…ác ôn”. Cứ như họ ác bẩm sinh, chứ không hẳn ác vì những bức xúc những áp lực công việc hằng ngày phải gánh chịu. Và, phải thừa nhận một thực tế này: Chúng ta nên cảm ơn “nhân vật chính” đã mang lại những hình ảnh công khai không thể chối cãi. Đó chính là…cái điện thoại di động đời mới. Vâng, nếu cứ dùng cái ĐTDĐ “đời xưa” như của tôi đang dùng, thì những video clip về những vụ bạo hành trẻ em ở các nhà “gửi trẻ” sẽ không bao giờ có để xuất hiện trước toàn xã hội như mấy năm nay chúng ta thấy. Chính cái phương tiện liên lạc vừa gọn gàng vừa hiện đại và đa chức năng ấy đã giúp cho rất nhiều người dân có cơ hội thu và đưa ngay được những hình ảnh “nóng” tới với nhiều người trên các trang mạng xã hội, cũng là tới với toàn xã hội.

Vụ việc bạo hành đã xảy ra, thì pháp luật phải vào cuộc. Các cô “bảo mẫu ác ôn” cùng bà chủ “nhà…tập trung trẻ” đã bị bắt, và nhất định sẽ phải ra trước vành móng ngựa, phải lãnh bản án thích đáng cho hành vi tàn bạo phi nhân tính của mình. “Trẻ thơ như búp trên cành…”( Hồ Chí Minh), họ đối xử với “búp trên cành” như thế ư?

Nhân vụ bạo hành ở nhà gửi trẻ mới xảy ra tại TP HCM, tôi có nói với mấy người bạn trẻ về một nguyên nhân mà theo tôi là rất cơ bản. Đó là, cha mẹ các em bé phải chấp nhận gửi con mình vào những “nhà trẻ chui” đầy nghi ngại kia chỉ vì họ nghèo quá. Hầu hết, họ là công nhân công nghiệp hay làm nghề tự do với thu nhập thấp, rất thấp.

Mỗi tháng phải dành ra 1,5 triệu đồng để gửi con vào “nhà trẻ”, đó đã là cố gắng rất lớn của họ. Tôi nói: “Ngay tại TP HCM, nếu những bậc cha mẹ có điều kiện gửi trẻ mỗi tháng từ 10-20 triệu đồng/cháu, tôi bảo đảm sẽ không bao giờ có hiện tượng bạo hành xảy ra với các cháu”. Nhưng trời ơi, những cha mẹ là công nhân nghèo, họ lấy đâu ra số tiền “trong mơ” đó ? Hố ngăn cách giàu nghèo đã càng ngày càng sâu, và nó không chỉ tác động tới người lớn, mà còn trực tiếp tác động tới “búp trên cành”, tới trẻ nhỏ.

Không thể không công nhận một thực tế như vậy. Nhưng vấn đề là làm sao giảm thiểu những tác động xấu tới trẻ em con nhà nghèo trên tất cả các lĩnh vực, mà nhạy cảm nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong giáo dục, thì nhạy cảm nhất, dễ tổn thương nhất là lĩnh vực giáo dục mầm non. Bây giờ truy tìm nguyên nhân vì sao xuất hiện những cô “bảo mẫu ác ôn”, thì nói cả ngày không hết chuyện. Nhưng làm sao để những hiện tượng khủng khiếp ấy chấm dứt, thì vấn đề quản lý phải được đặt lên hàng đầu. Với cách quản lý chồng chéo, lỏng lẻo, với các cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm và rất dễ đổ lỗi cho nhau như hiện nay, hệ thống quản lý giáo dục mầm non (trong và ngoài công lập, chủ yếu là ngoài công lập) cho thấy sự bất cập ghê gớm. Với cách quản lý như lâu nay mà không xảy ra những hiện tượng bạo hành trẻ con thì mới là sự lạ!

“Lắm thầy, rầy ma”, đó không chỉ là thực tế quản lý ở một lĩnh vực nào, mà ở khá nhiều lĩnh vực. Ở đâu thì kiểu quản lý như thế cũng gây tai họa. Nhưng với kiểu quản lý giáo dục mầm non mà để “ma” nhởn nhơ trước mặt “thầy”, thì đã và sẽ còn xảy ra những hiện tượng bạo hành, xuất hiện những “bảo mẫu ác ôn” và những đứa trẻ bị bạo hành mà cả xã hội sẽ phải đau xót và kinh hoàng. Đợi tới khi tòa xử, thì tai họa có khi đã khôn lường.    

          
Thanh Thảo
 


.