Quảng Ngãi: Khẩn cấp triển khai phương án đối phó siêu bão Haiyan

02:11, 08/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Siêu bão Haiyan đang diễn biến phức tạp dự báo sẽ đi vào biển Đông vào tối nay. Ngay trong sáng 8.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã chủ trì cuộc họp khẩn với các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố để triển khai phương án đối phó.

Siêu bão lớn nhất trong hơn 10 năm qua

Ông Nhâm Xuân Sỹ- Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quảng Ngãi cho biết, siêu bão Haiyan đang hoạt động phía Đông miền Trung Philippine với cường độ cấp 17 (tức là từ 202 đến 221 km một giờ) giật trên cấp 17 và đang di chuyển nhanh về phía biển Đông. Đây là cơn bão di chuyển nhanh với tốc độ khoảng 35km/h.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão HAIYAY
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão Haiyan.


Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối nay vùng biển phía Đông biển Đông gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13. Khả năngbão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, trong đó Quảng Ngãi có nguy cơ ảnh hưởng rất cao, nhất là các huyện phía bắc của tỉnh.

Theo ông Nhâm Xuân Sỹ, qua theo dõi đường đi của bão thì siêu bão Haiyan được đánh giá là cơn bão mạnh với phạm vi ảnh hưởng rộng và có thể nói đây là cơn siêu bão mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, dự kiến ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Cũng theo ông Nhâm Xuân Sỹ thì do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên từ chiều ngày 9 đến ngày 10.11 trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to.

Vì vậy cần phải chủ động để phòng triều cường, nước biển dâng khi bão độ bộ vào đất liền. Đặc biệt là nước ở các sông sẽ dâng cao, bởi hiện nay nước lũ trên các sông đã có sẵn, vì vậy khi gặp lượng mưa lớn từ 300-500mm thì sẽ gây ra những trận lũ lớn và hậu quả cũng sẽ rất lớn nếu ta không triển khai ngay các biện pháp ứng phó.

Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền và cấm biển

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, công tác chủ động đối phó với bão Haiyan cũng đang được triển khai một cách cấp bách. Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số tàu thuyền đánh bắt trên biển cao nhất cả nước. Chính vì vậy, việc kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn cũng được triển khai quyết liệt.

 

Tàu thuyền của ngư dân  neo trú bão tại cảng Sa Kỳ.
Tàu thuyền của ngư dân neo trú bão tại cảng Sa Kỳ.


Theo báo cáo nhanh của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 11 giờ ngày 8.11, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi trên các vùng biển là gần 200 phương tiện với trên 3.000 lao động, trong đó, ở vùng biển quần đảo quần đảo Hoàng Sa 25 phương tiện với 213 lao động; vùng biển Trường Sa có 109 phương tiện với 2.310 lao động; vùng biển phía Bắc còn 18 phương tiện với 80 lao động, vùng biển phía Nam còn 30 phương tiện và vùng biển Quảng Ngãi còn 10 phương tiện với 77 lao động.

Hiện Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi đã liên lạc được với tất cả các phương tiện và yêu cầu tìm nơi tránh trú bão. Riêng có 2 phương tiện của ngư dân Lê Hùng và Nguyễn Minh Tuấn ở huyện đảo Lý Sơn đang ở vùng biển quần đảo Trường Sa chưa liên lạc được. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các huyện ven biển tiếp tục duy trì lệnh cấm tất cả các loại tàu, thuyền ra biển hoạt động. Hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào bờ, thoát ra khỏi vùng biển từ bắc Vĩ tuyến 08 đến Nam Vĩ tuyến 16 và phía đông Kinh tuyến 112 trước 19 giờ hôm nay (8.11).

Trên 5.000 hộ dân nằm trong diện di dời khẩn cấp

Theo nhận định, siêu bão Haiyan khi đổ bộ vào đất liền sẽ có sức tàn phá lớn, chính vì vậy công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là vùng sạt lở núi, ven sông, ven suối và những vùng hạ lưu dưới các hồ đập cũng được đặt lên hàng đầu. Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thì hiện số hộ dân của các huyện nằm trong kế hoạch sơ tán khi bão đổ bộ vào là 54.050 hộ, với 216.000 nhân khẩu.

Trong đó, đặc biệt có 5.189 hộ, với 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạ du công trình thủy điện ở các huyện thuộc khu vực phía bắc tỉnh gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Lý Sơn cần phải di dời khẩn cấp.

 

ngư dân Bình Hải đưa thúng vào trú bão.
Ngư dân Bình Sơn đưa thúng vào bờ trú bão.


Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào, đó là an toàn cho các hồ chứa nước, công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê thì hiện trên địa bàn tỉnh có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có 15 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3, còn lại là dưới 3 triệu m3. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989, nhiều công trình đang xuống cấp.

Ông Nguyễn Nhung- Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết, hiện các công trình do công ty quản lý đã có phương án đối phó khi mưa bão. Trong các hồ chứa nước thì hồ  Đá Bàn là hồ có nguy cơ nhất, bởi mực nước hiện nay đã vượt tràn. Nếu trong những ngày tới có mưa lớn thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện Công ty đã có kế hoạch di dời hơn 50 hộ dân sống ở vùng hạ lưu hồ Đá Bàn.

Không được lơ là dù chỉ một phút

Trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi. Tại cuộc họp khẩn sáng 8.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã một lần nữa khẳng định rằng, siêu bão Haiyan là cơn bão đáng lo ngại nhất từ trước đến nay, bởi phạm vi rộng cũng như tốc độ của nó. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động phương tiện, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó, không chủ quan lơ là dù chỉ một phút.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát số hộ dân ở những vùng trọng yếu, dễ xảy ra sạt lở như ven biển, sông, suối, núi để có phương án sơ tán, di dời; huy động mọi phương tiện, nguồn lực hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn. Việc di dời dân phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 9.11.

Bộ đội biên phòng, các huyện ven biển, hải đảo cần khẩn trương hướng dẫn sắp xếp khu neo đậu tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không cho tàu thuyền nào ra khơi trong thời gian cấm biển bắt đầu từ chiều ngày 8.11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cũng chỉ đạo các đơn vị, cần theo dõi sát diễn biến mực nước các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện, nhất là 32 hồ chứa xuống cấp cần triển khai ngay phương án đối phó, xác định địa điểm di dời dân ở vùng hạ du. Đồng thời thông báo, vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng mưa lũ chia cắt.

Các lực lượng biên phòng, quân đội, công an cần sẵn sàng về phương tiện, con người để giúp dân di dời nhà cửa cũng như giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cần phối hợp với các địa phương phân công, tổ chức kiểm tra phương án sẵn sàng đối phó với siêu bão Haiyan. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo cho nhân dân diễn biến của bão Haiyan trên các phương tiện thông tin.



Bài, ảnh: M.Toàn

 


.