Ngày hội đại đoàn kết

10:11, 12/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuần này, khắp nơi trong tỉnh đều tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc”. Đây không chỉ đơn thuần là dịp để chào mừng ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11.1930) hằng năm, mà cái chính là để mọi người trong khu dân cư “ngồi lại” với nhau, cùng nhau kiểm tra xem trong năm qua đã làm được những gì so với mục tiêu đề ra, những gì còn tồn tại, vướng mắc; cần kiến nghị điều gì với chính quyền để có hướng tháo gỡ…

Đây cũng là dịp để “toàn dân” trong các khu dân cư hạ quyết tâm thực hiện tốt các kế hoạch của năm tới. Từ ngày có hệ thống loa truyền thanh mắc về tận xóm, có tivi hiện diện trong từng ngôi nhà, có việc gì cần kíp là chính quyền thông báo trên loa hoặc tivi để toàn dân biết, nên chuyện họp hành của xóm làng hầu như thưa vắng dần. Xu hướng “đèn nhà ai nấy tỏ” lại có dịp nảy sinh. Câu chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau” mà ông bà ta từ ngàn xưa đã truyền lại cho con cháu đang đứng trước nguy cơ biến mất khỏi đời sống của xóm làng. Vì vậy, sự ra đời của “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” được UBMTTQ VN các cấp duy trì trong những năm qua như một liều thuốc làm hồi sinh những giá trị ngàn đời trước nguy cơ tàn lụi.
 

Tổ dân phố 4, thị trấn Đức Phổ tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh tư liệu
Tổ dân phố 4, thị trấn Đức Phổ tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh tư liệu

 

Có dịp tham gia “ngày hội đại đoàn kết” này ở một số huyện miền núi trong tỉnh, chúng tôi chứng kiến những cuộc bàn thảo khá sôi nổi giữa các già làng về những công việc cụ thể của làng mình. Đặc biệt, các thói hư tật xấu mà một vài người trong làng còn “duy trì” như uống rượu say, đánh nhau, lười lao động hay mê tín dị đoan… đều được đem ra cuộc họp mổ xẻ, góp ý chân tình, trên tinh thần xây dựng và rất “đại đoàn kết” chứ không phải để bêu xấu nhau giữa đám đông. Người được góp ý cũng nhận ra lỡ lầm, người góp ý cũng cảm thấy lời nói chân thành của mình được người khác tiếp thu và sửa chữa. Qua những cuộc họp này, người dân trong khu dân cư càng hiểu nhau hơn. Tình làng nghĩa xóm cũng theo đó mà thêm gắn kết.

 Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân ở các khu dân cư đã sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất của nhà mình để cho xóm làng có con đường thông thoáng hơn, sạch đẹp hơn. Tính cộng đồng, tinh thần “mình vì mọi người” có điều kiện để phát huy thông qua những “ngày hội đại đoàn kết” này. Ý nghĩa của các “ngày hội đại đoàn kết” là ở chỗ này chứ không phải là chuyện hội họp và ăn uống lu bù hay chỉ để thăm hỏi nhau một cách bình thường như việc “giỗ làng” trước đây.


Với tinh thần đó, hy vọng “ngày hội đại đoàn kết” năm nay ở các địa phương tiếp tục phát huy những giá trị ưu việt của mình để mỗi xóm làng ngày một bình yên và no đủ hơn.


TRẦN ĐĂNG
 


.