Học văn để sống

08:10, 08/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cái tên của dự án này rất lạ: “Học văn để sống”. Đó là dự án được hình thành theo sáng kiến của một cô giáo dạy văn tại một Trường THCS ở TP. HCM. Chương trình này dành cho các em học sinh lớp 9.

Lâu nay, chúng ta cứ nghe nói “Học Toán, Lý, Hóa” hay “Học Toán, Hóa, Sinh” để... sống, nghĩa là để thi vào đại học ở những ngành có thể “sống tốt” khi ra trường.

Chẳng ai nói “Học văn để sống” cả! Đơn giản, vì môn Văn bây giờ rất ít được học sinh chú ý, “phổ” thi vào đại học có môn Văn cũng rất hẹp. Những ngành khoa học-xã hội-nhân văn nếu ngày xưa là niềm tự hào cho những sinh viên theo học ở đó, thì bây giờ lại “khiêm nhường” đến mức tội nghiệp: Điểm “đầu vào” thấp, cơ hội “đầu ra” có vẻ không cao.

Vậy mà có một cô giáo dạy Văn đã rất tự tin tổ chức cho học sinh lớp 9 của mình thực hiện những bài “tập làm văn-thực tế”, cho phép tích hợp cả đa phương tiện như chụp ảnh, quay video kết hợp với bài viết. Đó là một sáng kiến tuyệt vời! Môn Văn, nếu trước nay học sinh tỏ ra không mặn mà gì với nó, thì bây giờ các em hăng say đi thực tế, sưu tầm tư liệu, viết bài, chụp ảnh, quay clip…

Đề tài có vô vàn trong cuộc sống, nhưng cô giáo hướng các em tới những đề tài mang tính nhân ái cao như viết và chụp ảnh về những tấm gương vượt khó, về những người để một phần cuộc sống của mình lo cho đồng loại, về những người già không cam chịu cô đơn mà luôn tìm cách để sống vui, sống khỏe, sống tự lập. “Bài văn” của các em vì vậy không bài nào giống bài nào, mỗi bài thể hiện một cảnh đời, và “văn” tức là “người”, không chỉ thể hiện cá tính sáng tạo của các em, mà còn bộc lộ tính nhân văn sâu sắc qua những đối tượng mà các em miêu tả.

Học văn như thế, ai chả thích học! Tôi nghĩ, ngay những nhà văn hay nhà báo cũng nên học cách làm từ dự án “Học văn để sống” này của cô giáo dạy văn trường THCS, vì đó cũng là cách thức thể hiện những tác phẩm văn học hay báo chí theo kiểu “tích hợp đa phương tiện”-một hình thức sáng tạo khá “phù hợp” trong lĩnh vực văn học hay báo chí bây giờ.

Những em học sinh lớp 9, sau khi thực hiện thành công những bài văn kiểu này, các em sẽ rút cho mình nhiều kinh nghiệm hay. Và biết đâu, sau này, có những em sẽ theo học khoa báo chí hay sáng tạo văn học và những bài “tập làm văn-thực tế” theo dự án “Học văn để sống” hôm nay sẽ là những tiền đề cho các em có những sáng tạo sau này.

Thời chúng tôi học văn, cách thực hiện những bài văn kiểu “đa phương tiện” như thế này là không hề có. Đơn giản, vì hồi ấy trong chúng tôi chẳng ai có máy ảnh, nói gì tới camera. Ngay các thầy cô của chúng tôi cũng không hề có những vật dụng kỹ thuật này, thì làm sao mà có những “bài văn-đa phương tiện” được! Bây giờ thật quá dễ để có những “đồ chơi” kỹ thuật cao như thế. Vậy thì nên tận dụng chúng, để môn văn học trong nhà trường trở nên sinh động, phong phú và cách học văn cũng trở nên sáng tạo, năng động hơn rất nhiều.

Ở các trường học bây giờ đều in rất to câu khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Ngẫm sâu xa ra, câu ấy có lý lắm đấy! Lễ nghĩa đạo đức thì tất nhiên phải học rồi. Nhưng Văn chính là môn học cực kỳ quan trọng để “làm người”, theo nghĩa sâu xa nhưng cũng là cụ thể, thực tế nhất của môn học này.     


Thanh Thảo  
 


.