Bão số 11 hướng về các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi

08:10, 14/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Theo Trung tâm dự báo KTTV trung ương: Bão Nari (bão số 11) đang hướng về vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

TIN LIÊN QUAN

Hồi 4 giờ ngày 14.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa; cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km; đến 4 giờ ngày 15.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Vị trí và đường đi của bão số 11
Vị trí và đường đi của bão số 11

 

 

Vùng biển Quảng Ngãi từ ngày 15.10, có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Tàu thuyền không được ra khơi. Vùng ven biển (chú ý khu vực phía bắc tỉnh: huyện Bình Sơn, SơnTịnh) sẽ có gió cấp 6, sau tăng lên cấp 7, có lúc cấp 8, giật trên cấp 9. Trong đất liền sẽ có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo ngày 15.10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó đến các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão số 11, các tỉnh ven biển Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5; vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông từ chiều tối 15.10 gió đông bắc mạnh lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Theo báo cáo số 493/BC-CQTT của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCLB, TKCN/BĐBP, tính đến 6 giờ ngày 14.10 Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.062 phương tiện/292.783 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Cụ thể:

- Khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên (150N đến 180N):

+ Neo đậu tại bến 18.494 tàu/43.705 người;

+ Đang di chuyển vào bờ: 96 tàu/560 người (Quảng Bình 93 tàu/523 người; Đà Nẵng 03 tàu/37 người);

+ Hoạt động ven bờ 321 tàu/1.975 người (Quảng Ngãi);

- Các khu vực khác: 49.126 tàu/246.363 người đang hoạt động trên biển hoặc neo đậu tại các bến.

Với các hồ thủy lợi: Theo báo cáo nhanh của Vụ Quản lý công trình thủy lợi, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh hồ chứa thủy lợi nhỏ hầu hết đã tích đầy nước. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng các hồ chứa đang tích phổ biến ở mức từ 60 - 80% so với thiết kế; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hồ chứa đang tích nước ở mức thấp từ 30-50% so với thiết kế.

Trước diễn biến của bão số 11, tối ngày 13/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Công điện số 1616/CĐ-TTg về việc chỉ đạo đối phó với bão số 11. Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên; các Bộ, ngành chức năng.

Công điện nêu rõ, bão số 11 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và đất liền nước ta, dự báo khi đổ bộ vào đất liền sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13-14 và có mưa to đến rất to. Để chủ động đối phó với bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huy động các lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, chống bão số 11 nhằm hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người và tài sản.

Đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng, chống bão. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão; tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn; có các phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão; chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của bão....

Tổ chức các đoàn, phân công cụ thể lãnh đạo Tỉnh, các sở, ngành phụ trách địa bàn từng huyện, xã để thực hiện kiểm tra đôn đốc công tác chuẩn bị đối phó với bão, lũ theo phương châm 4 tại chỗ; công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp nêu trên, đặc biệt đối với các tỉnh đã bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 11, cần rà soát triển khai ngay và kiên quyết không để dân bị đói, rét.

 
 
PV

.