Người nghèo

01:08, 07/08/2013
.

(QNg)-  Người nghèo là thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Lâu nay, chúng ta quan tâm tới người nghèo vì họ… nghèo, chứ ít ai quan tâm nguyên nhân từ đâu dẫn tới cái nghèo của họ.

Nếu muốn chữa bệnh phải tìm đến căn nguyên của bệnh, nếu muốn xoá nghèo cũng phải tìm đến những nguyên nhân dẫn tới cái nghèo. Có những nguyên nhân khác nhau dẫn tới cái nghèo cho những người, những hộ, những nhóm người khác nhau. Và điều đó, chỉ có thể bằng những cuộc điều tra xã hội học cặn kẽ và kiên trì, mới có thể tìm ra, phân loại và kiến nghị những biện pháp trợ giúp nhằm xoá nghèo, những biện pháp mà bây giờ người ta hay gọi chung một cách hình tượng là “cho cần câu, không phải cho con cá”. Dĩ nhiên, có rất nhiều trường hợp phải cho “con cá”, và phải cho ngay lập tức mới có tác dụng tích cực nhằm trợ giúp cho người nghèo. Nhưng với nhiều trường hợp khác, thì cho “con cá” có khi lại làm…hại người nghèo.

 

Có một kỹ sư Việt kiều ở Mỹ kể chuyện, dạo mới qua Mỹ và tìm việc làm, có lần anh được một người bạn Mỹ dẫn đi xin việc. Dọc đường, họ gặp một người ăn xin (Mỹ cũng có người ăn xin, dĩ nhiên), trong khi anh bạn Việt kiều rút ví cho người ăn xin mấy đồng bạc lẻ, nhìn sang anh thấy người bạn Mỹ dẫn mình đi xin việc không vui.

 
Sau anh hỏi, người bạn Mỹ mới nói: “ Ở Mỹ, những việc làm từ thiện hay nhân đạo là rất phổ biến. Hầu hết người Mỹ đều dành một phần thu nhập của mình ủng hộ người nghèo khổ hay bất hạnh, nhưng họ ủng hộ thông qua các quỹ từ thiện có rất nhiều ở nước Mỹ, chứ không cho trực tiếp, như cách anh vừa cho người ăn xin. Lý do vì sao thì tự anh phải hiểu”.

Anh bạn Việt kiều đã hiểu, cho như thế có khi khiến những người được nhận tiền nảy sinh tâm lý ỷ lại, và họ đâm lười lao động, coi ăn xin như một “nghề” khỏe người, dễ làm, lại kiếm sống thoải mái hơn cả đi làm một nghề lao động.

Tạo một nghề lao động, tạo cơ hội cho người nghèo có thể kiếm sống một cách lương thiện bằng chính lao động và năng lực của mình, tức là “cho cần câu”. Nhưng nếu cho không đúng “loại cần câu”, và không phù hợp với “người câu”, thì tác dụng rõ ràng là sẽ thấp. Có người, nên giúp “cần câu máy” để họ “câu” cá lớn, vì bản thân họ có khả năng làm việc đó, thì rất nên cho.
 
Còn với những người mới tập “câu”, chỉ có thể “câu cá nhỏ” mà nếu cho “cần câu lớn” thì khác nào quàng ách nặng quá sức lên vai họ. Mới tập câu, nên câu cá nhỏ, với cần câu nhỏ, vừa sức. Đó là cách trợ giúp hiệu quả cho người nghèo có thể thoát nghèo. Tất cả những điều đó, muốn biết, đều phải qua điều tra xã hội học, chứ không thể qua “báo cáo” hay “tổng kết”.

Với những nguyên nhân dẫn tới nghèo, điều tra xã hội học còn cần thiết hơn nữa. Vì nó sẽ cho ta biết, có rất nhiều nguyên nhân và những nhóm nguyên nhân chính, dẫn tới cái nghèo. Có một nguyên nhân trong số đó: Người nghèo do vì…lười nhác. Dù là nghèo vì nguyên nhân nào, thì cũng phải được làm rõ một cách trung thực, minh bạch. Có như thế, mới có những biện pháp cụ thể và hiệu quả giúp người nghèo thoát nghèo.
 
Sẽ có người hỏi: “Thế với người nghèo do… lười nhác, làm sao giúp họ thoát nghèo?” Đó là một câu hỏi hay, vì để trả lời câu hỏi này, phải có sự phối hợp đồng bộ của cả chính quyền và cộng đồng, và phải có những biện pháp động viên, khuyến khích, “gây cảm hứng lao động”, dạy kỹ năng lao động cho những người nghèo “đặc biệt” ấy, để họ nỗ lực lao động, có những thu nhập rõ ràng, đầy khích lệ từ lao động.

Nghèo là khổ. Nhưng muốn giúp người nghèo thoát nghèo, cũng phải chịu vất vả, từ suy nghĩ tới việc làm, chứ không thể cứ ngồi uống trà (hay bia rượu) mà hô khẩu hiệu là xong.
 
Thanh Thảo
 

.