Các địa phương khắc phục hậu quả bão số 6

01:08, 09/08/2013
.

Bão số 6 đã khiến 2 người chết, 4 người mất tích, 4 tàu cá của ngư dân hư hỏng, hàng ngàn hecta lúa, hoa màu gập úng.

Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả, sẵn sàng ứng phó với hoàn lưu bão.
 
Tại Hà Tĩnh, bên cạnh những thiệt hại do bão gây ra ở các huyện đồng bằng, ven biển, từ đêm qua mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng. Lượng mưa đo được tại huyện miền núi Hương Khê đạt 110mm. Theo dự báo, mưa do hoàn lưu bão dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các huyện miền núi, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hương Khê đã lập các đoàn công tác đi kiểm tra các hồ chứa, đảm bảo vận hành tiêu úng cho hạ du, xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống xảy ra.
 

 

 
Ông Nguyễn Trọng Hoài, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Điều đáng lo ngại hiện nay là các công trình thủy lợi được xây dựng trong nhiều năm rồi nên đã bị hư hỏng xuống cấp. Huyện đã cử các đoàn kiểm tra để có các biện pháp, phương án giúp các địa phương. Tập trung chỉ đạo đôn đốc sửa chữa nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi. Đối với người dân ở hạ du nguy cơ sạt lở ven sông thì chúng tôi đã có phương án di dời dân được triển khai đến các xã khi có tình huống xảy ra.”
 
Tại tỉnh Thanh Hóa , nơi tâm bão đi qua, đã có gần 200 ngôi nhà bị đổ, tốc mái; gần 3.000 hecta lúa bị ngập úng, trên 1.000 hecta mía bị đổ, gãy; hàng nghìn hecta hoa màu các loại bị hư hại; 135 hecta thủy sản bị mất trắng; gần 300m đê biển bị lở; hàng nghìn mét khối đường liên thôn, xã bị sạt.
 
Do chủ động ứng phó nên khi bão đi qua, Thanh Hóa không có thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại về tài sản, cây cối, hoa màu... khoảng 167 tỷ đồng. Tỉnh Thanh Hoá tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập sau các trận mưa để kịp thời ứng cứu khi có sự cố; tập trung sửa chữa, làm vệ sinh nhà cửa, đường sá, giải phóng ách tắc giao thông. Đối với các huyện miền núi, tỉnh chỉ đạo kiểm tra những khu vực xung yếu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
 
Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Một số huyện miền núi đã xây dựng các phương án phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Yêu cầu các thông, bản cử người cảnh giới cho các vùng dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Khi có những tình huống mưa lớn xảy ra sẽ đánh kẻng báo động. Tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các huyện miền núi chịu trách nhiệm về việc triển khai biện pháp phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.”
 
Mưa bão cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định với trên 1.000 hecta lúa bị ngập úng, trên 200 ngôi nhà bị sập và tốc mái, gần 1.000 cây xanh bị bật gốc, gãy đổ. Tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi vận hành 30 máy bơm công suất lớn, mở 3 cống ở một số địa bàn ngập nặng để tiêu nước cứu lúa. Các lực lượng: thanh niên, công an, quân đội, biên phòng triển khai lực lượng đến các địa phương giúp dân khôi phục sản xuất, sửa chữa nhà cửa.
 
Riêng Nam Định, hệ thống điện bị thiệt hại nặng với 10 cột cao thế, 200 cột hạ thế bị ngã đổ, hệ thống đê kè, hồ nuôi trồng thủy sản hư hỏng nặng, kè bãi tắm Khu du lịch Quất Lâm bị sập 170m, hơn 170 ki ốt, hàng quán tại hai khu du lịch Quất Lâm và Thịnh Long bị tốc mái, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân cũng bị hư hại nặng, tổng thiệt hại của Nam Định ước khoảng 64 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói: “Hiện nay chúng tôi đang chỉ đạo giao cho điện lực báo cáo với Điện lực Miền Bắc có kế hoạch sớm khôi phục lưới điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, trước mắt phục vụ cho việc tiêu thoát nước cho các khu vực sản xuất và khu vực trung tâm, khẩn trương khắc phục lưới điện sinh hoạt cho nhân dân. Thứ hai là khẩn trương khắc phục sự cố về đê kè để đảm bảo nếu như có cơn bão tiếp theo thì có thể đối phó được.”
 
Hoàn lưu bão số 6 cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội. Từ đêm qua đến chiều nay, Hà Nội có mưa lớn, nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước, gây khó khăn cho người và phương tiện đi lại. Một cây xà cừ trên phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng bất ngờ đổ xuống đường, khiến một người đàn ông đi xe máy không xử lý kịp, đâm thẳng vào thân cây ngã xuống đường tử vong. Các ngành chức năng thành phố Hà Nội đang tập trung khắc phục tình trạng ngập úng khu vực nội đô./.
 
 
 
Theo Vân Thiêng/VOV

.