Bỏ phiếu tín nhiệm

01:06, 07/06/2013
.

(QNg)- Tôi thấy hơi lạ khi đọc trên báo mạng về phát biểu của một vị đại biểu Quốc hội: “Tôi sẵn sàng đi… ăn cơm trưa (với người được bỏ phiếu tín nhiệm).” Hơi lạ, vì đi ăn cơm trưa với ai thì đâu có chuyện gì để nói, đâu có gì liên quan tới chuyện… bỏ phiếu tín nhiệm. Dĩ nhiên, sẽ là lạ nếu đã đi ăn cơm trưa với người sắp là đối tượng được bỏ phiếu tín nhiệm (là quan chức, tất nhiên) còn được nhận thêm…phong bì (?). Chứ nếu chỉ ăn cơm… suông, cười tươi, bắt tay chặt (hay lỏng) thì việc gì phải ngại.

Bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội là chuyện lớn, là chuyện mỗi đại biểu quốc hội phải suy nghĩ và phải chuẩn bị rất nghiêm túc, với cái tâm trong sáng, bất vụ lợi, không “trào lên một cách vô ý thức”, chứ không phải là chuyện làm cho có, càng không phải là một “cơ hội” để trục lợi, dù dưới bất cứ hình thức nào.
“Lobby” (vận động hành lang) là một từ tiếng Anh nay đã rất phổ biến ở Việt Nam.

Ở quốc hội những nước phát triển người ta vẫn có những hoạt động “vận động hành lang” trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Nhưng cũng phải nói rõ, ranh giới giữa “đúng luật” và “trái luật” trong vận động hành lang quốc hội nhiều khi khá mỏng manh, dừng lại một chút thì được, quá hơn thì… phạm luật. Người ta, trong giới hạn cho phép, có quyền “vận động hành lang” các nghị sĩ quốc hội. Và đã “vận động” thì tất sẽ cho ra những “kết quả” khác nhau. Việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu ở kỳ họp Quốc hội lần  này cũng không nên nghĩ là “tuyệt đối không có lobby”. Vấn đề chỉ là lobby như thế nào mà thôi. Nếu lobby là cơ hội để trình bày, làm rõ hoặc giải trình trong phạm vi hẹp những thắc mắc của đại biểu quốc hội, thì chẳng có gì sai.

Bỏ phiếu tín nhiệm, dĩ nhiên, sẽ cho ra những kết quả. Nhưng nếu những kết quả ấy không giống, không đúng như những kết quả mà nhân dân đã “âm thầm bỏ phiếu” trước đó thì không nên trách những người được bỏ phiếu tín nhiệm, mà nên có ý kiến trước hết với tất cả đại biểu quốc hội đã tham gia bỏ phiếu. Chính đại biểu quốc hội phải là người chịu trách nhiệm cao nhất, trước lương tâm mình, trước nhân dân và đất nước khi cầm lá phiếu tín nhiệm bỏ (hoặc không bỏ) cho những ai đó. Đại biểu quốc hội công tâm, sáng suốt, vì dân vì nước, thì cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thành công. Ngược lại, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ chỉ còn là chuyện có tính  hình thức mà thôi.

Thanh Thảo
 


.