Việt Nam tiếp tục đặt mua vệ tinh viễn thám

02:05, 09/05/2013
.

Sau khi vệ tinh VNREDSat -1 đã được đưa lên quỹ đạo, Việt Nam sẽ có vệ tinh nhỏ khác là VNREDSat - 1B vào năm 2017.

Thông tin do công ty QinetiA Space và Spacebel (Bỉ) đưa ra sau khi tên lửa đẩy vệ tinh châu Âu VEGA vừa đưa vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat - 1 từ trung tâm vũ trụ Kourou tại Guyane (thuộc Pháp) vào quỹ đạo. Ngoài vệ tinh VNREDSat- 1 của Việt Nam, tên lửa VEGA còn mang theo một vệ tinh nhỏ khác mang tên PROBA-V cùng do Bỉ sản xuất.

VNREDSat-1 và PROBA-V có nguồn gốc từ nhóm các vệ tinh nhỏ PROBA (Project for On-BoardAutonomy) với thể tích dưới 1 m³, các vệ tinh quan sát nhỏ này cứ hai ngày lại cung cấp toàn bộ hình ảnh thực bì trên trái đất, cho phép theo dõi tài nguyên nông nghiệp và thực vật trên toàn bộ hành tinh và góp phần vào việc nghiên cứu biến đổi khí hậu.
 

Vệ tinh VNREDSat-1 được lắp ở trên đầu bên phải của tên lửa đẩy EGA
Vệ tinh VNREDSat-1 được lắp ở trên đầu bên phải của tên lửa đẩy EGA



Tháng 7/2010, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã đặt hàng sản xuất vệ tinh này trong khuôn khổ hiệp định ký năm 2009 giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam.

Các công ty Bỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tên lửa đẩy vệ tinh VEGA của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đặc biệt là các phần mềm mô phỏng, dẫn hướng, dẫn đường và điều khiển. Mới đây, Chính phủ Bỉ và chính phủ Việt Nam đã quyết định phía Bỉ sẽ sản xuất một vệ tinh nhỏ khác cho Việt Nam với tên gọi VNREDSat - 1B. Vệ tinh nhỏ này cũng có nguồn gốc từ nhóm các vệ tinh PROBA trong đó PROBA-V là loại “vệ tinh nhỏ mới nhất” dự kiến được đưa vào quỹ đạo năm 2017.

Như vậy, Việt Nam chính thức trở thành nước thứ 5 trong khu vực có vệ tinh viễn thám. Khi VNREDSat-1 đi vào hoạt động, mỗi ngày vệ tinh sẽ chụp được khoảng 100 ảnh, kích thước 20x20 cm. VNREDSat-1 sẽ giúp Việt Nam có thể cung cấp số lượng lớn ảnh vệ tinh quang học có độ phân giải cao theo nhu cầu cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường ĐH thực hiện giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng…

Dự án VNREDSat-1 này nhằm thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất và đào tạo được một nhóm chuyên gia, kỹ sư nòng cốt của Việt Nam tiến tới thiết kế lắp ráp các vệ tinh nhỏ tại Việt Nam.



Theo Thanh Trầm/Dân trí


.