Nghĩ trong ngày giỗ tổ

09:04, 19/04/2013
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)-  Không phải một đất nước đa sắc tộc nào cũng có chung một ông tổ. Và có một ngày giỗ quốc tổ.

TIN LIÊN QUAN


Với người Việt Nam, ngày giỗ trong gia đình là ngày con cháu dù làm ăn ở đâu, dù giàu nghèo thế nào cũng tìm về nhà thờ họ hay nhà cha mẹ mình. Giỗ là một dịp để bà con, cháu con tụ hội, những người đang sống lại có chung một khoảng thời gian cùng tưởng nhớ tới người đã khuất.

Ngày 10 tháng Ba âm lịch hàng năm, cả dân tộc Việt Nam lại hướng về núi Nghĩa Lĩnh, về Đền Hùng để tưởng nhớ vị Tổ của cả dân tộc mình. Đó là một thời khắc thật ấm áp, nhiều ý nghĩa, khi những thế hệ đang sống hôm nay, dù ở đâu, đều cảm thấy mình có chung một gốc rễ, mình có chung một nguồn cội, có chung một tổ tiên. Đất nước thì rộng lớn, nhưng nơi khởi phát cho cả một dân tộc thì có thể không lớn lắm. Đền thờ Vua Hùng cũng không lớn lắm về kích thước. Nhưng vĩ đại.

Người Việt có rất nhiều họ. Nhưng nếu bây giờ ai hỏi, vậy thì Vua Hùng thủy tổ của người Việt mang họ gì, thì câu trả lời có lẽ là: Họ Việt. Từ họ Việt ấy, tỏa ra hàng trăm họ khác. Nghĩa là, trong quá khứ, người Việt chúng ta có thể cùng chung một họ? Khi mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên rừng, còn cha Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, thì từ họ Việt chung ấy, người Việt bắt đầu có rất nhiều họ, có thêm biết bao nhiêu thăng trầm, có thêm biết bao nhiêu số phận. Nhưng trên tất cả, vẫn là số phận Việt, vẫn là những thăng trầm của dân tộc Việt, của đất nước Việt.

Không ai biết Vua Hùng đầu tiên của dân tộc ta thọ được bao nhiêu tuổi, nhưng ai cũng biết, dân tộc ta đã trải qua nhiều nghìn tuổi từ thuở ấy cho tới bây giờ. Với người đương đại, những hình dung về Ông Tổ của dân tộc mình có thể rất phong phú. Nhưng có một điều, ai cũng hình dung được, là Ông Tổ của mình đã phải vất vả như thế nào khi dẫn dắt những con cháu đầu tiên, những cư dân đầu tiên của dân tộc Việt sinh cơ lập nghiệp, trụ vững được trên chính mảnh đất mà ngày nay chúng ta gọi là đất Tổ.

Tôi đã có dịp về Phú Thọ, về đất cổ Phong Châu. Đúng là hình sông thế núi ở đó có gì uy nghi lắm, có gì phong quang lắm. Nhưng, để sống được ở đất ấy cũng không hề đơn giản. “Đất nghèo sinh những anh hùng” (thơ Nguyễn Đình Thi), thì vẫn vậy, đất nghèo nhưng người sống trên đất ấy giàu tình yêu: Yêu lao động, yêu đất nước. Đó là hai tình yêu theo suốt dân tộc Việt Nam từ ngày mở nước cho tới nay.

Yêu lao động nên gắn bó với đất đai, với rừng biển. Những ngư dân Việt Nam hôm nay-con cháu Lạc Long Quân-kiên trì bám biển bất chấp hiểm nguy chính vì lòng yêu nghề- yêu lao động trên biển. Tình yêu ấy tự nhiên như nước biển thì mặn vậy.   

Người nông dân Việt bao đời nay cần mẫn với đất, đánh vật với đất, dù không phải lúc nào cũng thu lợi được từ đất. Trải qua bao đời, đất nghèo dần dưỡng chất, nhưng tình yêu của người nông dân với đất thì không nghèo đi.

Yêu đất nước, thì đó là một tình yêu tự nhiên, cứ như người Việt sinh ra đã có tình yêu này. Bởi chúng ta đều có chung một Ông Tổ. Chung một ngày Giỗ Tổ./.   
 


.