Hãy thay đổi thói quen sử dụng túi nilon

10:04, 16/04/2013
.

(QNĐT)- Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Tuy nhiên để triển khai tốt đề án này cần sự nỗ lực lớn từ công đồng.

Mục tiêu lớn mà Đề án này đưa ra là từ nay đến năm 2015, những túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ giảm tới 40% và giảm 20% với chợ dân sinh. Đến 2020, giảm 65% khối lượng sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; giảm 50% tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy có bề dày một lớp màng nhỏ hơn 30 micromet (30µm), tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái chế.
 

 

Ở Việt Nam, người dân mới sử dụng túi nilon khoảng hơn mười năm nay, nhưng loại rác này đã và đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Việc sử dụng vô tội vạ túi nilon đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Trước khi có đề án này, Chính phủ cũng đã có một số biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng túi nilon như tuyên truyền vận động, khuyến khích sản xuất túi nilon tự huỷ, tăng thuế với túi nilon... nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Trung bình một người Việt Nam /năm sử dụng ít nhất 30kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Từ 2005 đến nay, con số lên tới 35 kg/người/năm. Năm 2000, trung bình một ngày, Việt Nam xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường. Đến nay, con số đó là 2.500 tấn/ngày và có thể còn hơn. Tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng không dưới 10 túi nilon các loại.

Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại xài khoảng 500 - 1.000 tỉ túi nhựa. Vì thế túi nilon đang bị coi là một trong những "thủ phạm" nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường.

Khi thải ra môi trường dưới tác động của ánh sáng, túi nilon vỡ ra thành nhiều phân tử nhựa nhỏ hơn, độc hại hơn và cuối cùng gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước. Chúng có thể len lỏi vào thức ăn của động vật và con người. Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm chua có tính axít như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng, các chất hóa dẻo trong túi nilon sẽ tách khỏi thành phần nhựa và gây độc cho thực phẩm. Khi ngấm vào dưa chua, axít lactic ở trong dưa, cà sẽ hòa tan một số kim loại thành muối thủy ngân có thể gây ung thư.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang bắt đầu áp dụng triệt để các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại túi nilon. Các cửa hàng, siêu thị tại các nước phát triển chuyển từ sử dụng túi nilon sang dùng loại túi đựng thân thiện hơn với môi trường như túi vải, giấy... Nếu người tiêu dùng muốn sử dụng túi nilon thì phải mua với giá khá cao. Một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm này trong các thành phố lớn.

Tại Việt Nam,  hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, những sản phẩm này do giá thành cao nên các siêu thị vẫn cân nhắc. Với những người bán hàng nhỏ lẻ thì lại càng không thể vận động được họ dùng túi này thay thế túi nilon. Còn người mua hàng quen được dùng miễn phí túi nilon nên vẫn tỏ ra khá thờ ơ.

Bảo vệ môi trường không thể chỉ bằng những lời hô hào suông, vì vậy một trong các nhiệm vụ của Đề án là tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi nilon khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy.

Ngoài các giải pháp trên thiết nghĩ Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thay thế túi nilon, đưa giá thành loại túi này rẻ như túi nilon hiện nay. Bởi theo ngành tài nguyên, nhu cầu về vốn đầu tư bảo vệ môi trường của Việt Nam là 85.000 tỷ đồng. Chắc chắn, trong số tiền trên, có đến vài trăm tỷ được sử dụng để khắc phục những thiệt hại do đồ nhựa, túi nilon thải ra môi trường.



Hiệp Thịnh
 


.