Quảng Ngãi và tình hữu nghị Việt - Nhật

10:01, 20/01/2013
.

(QNg)- Chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên cho cuộc viếng thăm chính thức sau khi đắc cử, Thủ tướng Shinzo Abe đã đánh giá đây là biểu hiện cho "bước nhảy vọt của quan hệ Nhật-Việt". Là đối tác chiến lược của VN, năm 2012 Nhật Bản trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật, năm 2013 là "Năm hữu nghị Việt-Nhật". Trong dịp này, người dân Quảng Ngãi cũng rất tự hào là mảnh đất và con người Quảng Ngãi đã từng là nơi tình hữu nghị Việt-Nhật ươm mầm, ngay từ khi cuộc Cách mạng tháng Tám vừa thành công ở Quảng Ngãi năm 1945.

 Ngày ấy, đã có một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính Nhật sau khi đầu hàng Đồng Minh đã không chọn giải giáp vũ khí và hồi hương, mà quyết định mang vũ khí tình nguyện đứng trong hàng ngũ những người yêu nước Quảng Ngãi để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai.

Những sĩ quan, hạ sĩ quan Nhật ấy lập tức trở thành những "huấn luyện viên" cho đội quân đầu trần chân đất của những người nông dân và công nhân, trí thức Quảng Ngãi, một đội quân thừa nhiệt huyết và lòng yêu nước, nhưng còn thiếu những kỹ năng tác chiến như những người lính chính quy. Những "huấn luyện viên" Nhật ấy đã "ba cùng" với những người du kích Quảng Ngãi để huấn luyện những kỹ năng tác chiến với vũ khí, cùng võ thuật đặc trưng của người Nhật là Karatedo. Những "huấn luyện viên Nhật" ấy đã tình nguyện lấy tên Việt Nam, tình nguyện không chỉ huấn luyện mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam ngay trên địa bàn Quảng Ngãi.

Đã gần 70 năm trôi qua từ sự kiện đặc biệt ấy, khi tình hữu nghị Việt- Nhật được thể hiện một cách oai hùng và thấm thía bởi những người lính tình nguyện Nhật Bản, và bởi những người dân, những du kích quân Quảng Ngãi. Đó là bước khởi đầu tuyệt đẹp của "Ngoại giao nhân dân" Việt-Nhật tại một địa phương cụ thể là Quảng Ngãi. Những người lính tình nguyện Nhật Bản ấy, nhiều người đã qua trọn cuộc kháng chiến chống Pháp với nhân dân Việt Nam. Một số người đã lấy vợ Việt Nam, và đã chính thức chọn Việt Nam là quê hương thứ hai thân thiết nhất của mình. Dù sau này nhiều người trong số họ đã hồi hương, nhưng Việt Nam và Quảng Ngãi đã không bao giờ rời xa khỏi ký ức và tâm hồn họ.

Tôi được biết, một nhóm những nhà làm phim trẻ của Truyền hình Quảng Ngãi đã ấp ủ ý định xây dựng một bộ phim tài liệu về "Dấu chân những người lính Nhật tình nguyện" từ cách đây ngót 70  năm. Những người lính Nhật tình nguyện ở Quảng Ngãi nay đều đã là người thiên cổ, nhưng "những dấu chân" của họ, hình ảnh của họ hãy còn lưu lại trong lòng những cựu chiến binh Quảng Ngãi (may mắn đang còn sống). Nếu bộ phim tài liệu này được thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật, thì đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa của hoạt động ngoại giao nhân dân Quảng Ngãi. Có lẽ tỉnh Quảng Ngãi cũng nên xem xét tạo điều kiện cho nhóm làm phim tài liệu này thực hiện bộ phim của họ. Biết đâu, bộ phim sẽ có dịp lên đường đến xứ sở "Mặt trời mọc" và gặp gỡ với nhân dân Nhật Bản ở đó.      


Thanh Thảo
 


.