Giao diện đô thị

08:12, 02/12/2012
.

(QNg)- Thành phố Quảng Ngãi vốn dĩ là một xã-xã Cẩm Thành. Phố xá chỉ quẩn quanh khu vực chợ Quảng Ngãi và một vài trục đường chính như Quang Trung, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Nguyễn Nghiêm và Trần Hưng Đạo. Chu vi của “đô thị” Quảng Ngãi cách đây chừng 40 năm, không quá 1 cây số vuông.

 

Nói vậy để thấy rằng, phần lớn diện tích được gọi là “phố” hiện nay của TP Quảng Ngãi, chủ yếu được mở rộng, kéo dài và “tân trang” sau ngày tách tỉnh. Tuy nhiên, dù là được “làm mới” phần lớn những con đường sau ngày tách tỉnh nhưng xét trên bình diện chung, hệ thống giao thông của TP Quảng Ngãi hiện tại là vô cùng chắp vá.

Thay vì “dọn sạch rồi làm lại” như một số đô thị dọc miền Trung, chúng ta lại chọn giải pháp “mì ăn liền”. Nghĩa là, các nhà quản lý chỉ tính phương án ít tốn kém nhất nhưng lại có… con đường, dù chẳng giống ai. Do vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy đa số những con đường ở TP Quảng Ngãi hiện nay cong cong quẹo quẹo. Làm đường theo kiểu “đẽo chân cho vừa giày” như TP Quảng Ngãi đã và đang làm, không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có một “đô thị loại 2” không giống với bất cứ thành phố nào ở miền Trung hiện nay.
 

Mặt tiền nhiều ngôi nhà trên tuyến đường Phan Bội Châu - TP Quảng Ngãi không cân đối với tim đường.
Mặt tiền nhiều ngôi nhà trên tuyến đường Phan Bội Châu - TP Quảng Ngãi không cân đối với tim đường.

Nhưng, đường cong cong quẹo quẹo cũng chỉ là một phần của chuyện quy hoạch rất tùy tiện mà thôi. Điều mà người dân thành phố này thấy rõ nhất là sự phản cảm từ những trục đường đang làm qua giao diện của nó. Những ai đi dọc con đường Nguyễn Tự Tân nối dài vừa hoàn thành cách đây ít lâu, sẽ thấy rất rõ điều đó. Bất cứ chỗ ngã tư nào mà con đường này ngang qua cũng thấy đường cũ cắt ngang bao giờ cũng cao hơn đường mới làm ít nhất là 20cm.

 

Tương tự, đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn khớp nối với đường Hùng Vương và đường Nguyễn Trãi cũng thấp hơn đường cũ rất nhiều. Tại sao trong một đô thị, hai con đường cắt nhau nhưng đường này thì lồi lên còn đường kia thì lõm xuống? Sở Xây dựng đã “quy hoạch” theo mô hình nào để đẻ ra những con đường “chẳng giống ai” như vậy?

Cũng chính vì “cốt” đường bị hạ xuống nên tất cả những ngôi nhà mặt đường xây trước đó đều “việt vị” hết. Dân muốn vào nhà mình đều phải “leo dốc”! Mà những ngôi nhà này, dân không làm theo ý mình mà là được Sở Xây dựng cấp phép, trong đó đã quy định “cốt” nền rồi. Ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này một khi chủ nhà buộc phải “hạ độ cao” xuống cho vừa với con đường?

Thành phố Quảng Ngãi đang phấn đấu vào năm 2015 sẽ thành đô thị loại 2, trong đó không thể không “tăng tốc” làm các con đường đang “đất hóa” hiện tại. Tuy nhiên, với cách làm hiện tại thì dù có “lên đời” bao nhiêu đi nữa thì TP Quảng Ngãi vẫn giống như một cụ già, một chân mang guốc mộc còn chân kia mang giày.


Trần Đăng
 


.