Số phận của B phẩy

07:11, 19/11/2012
.

(QNg)- Báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh hiện có 3.000 doanh nghiệp trong đó có 100 doanh nghiệp đã giải thể, 169 doanh nghiệp tạm nghỉ sản xuất, 1.500 lao động trong tỉnh bị mất việc làm từ việc giải thể và nghỉ sản xuất. Cơn lốc khủng hoảng tài chính cộng với việc chỉ đạo, điều hành yếu kém của chủ doanh nghiệp đã gây nên tình trạng đình đốn sản xuất, đẩy nền kinh tế của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng vào tình cảnh khó khăn.

 Một câu hỏi được đặt ra là: Lí do để các doanh nghiệp phá sản có phải lỗi hoàn toàn thuộc về sự yếu kém của họ không? Điều này cần phải soi rọi ở nhiều góc độ. Có những doanh nghiệp từng lừng lẫy một thời, nay phải ngậm ngùi nói lời chia tay với việc kinh doanh vì nợ nần đầm đìa mà lối thoát hầu như không có. Doanh nghiệp sản xuất tìm đầu ra đã khó, các doanh nghiệp xây lắp, tìm công trình càng khó hơn, nhất là khi Chính phủ siết chặt các công trình xây dựng cơ bản "không cần thiết". Có một nguyên nhân rất dễ thấy dẫn đến việc phá sản của các doanh nghiệp cơ bản là phải làm B phẩy cho các B.

Hầu hết các công trình xây dựng cơ bản có số vốn từ vài ba chục tỷ trở lên, các doanh nghiệp trong tỉnh đều không "có cửa" để chen chân. Để ý trong các buổi lễ động thổ sẽ thấy, băng rôn khẩu hiệu thì ghi Tổng công ty X, Tập đoàn Y là "chủ xị", nhưng khi xong lễ, người thi công lại là một doanh nghiệp địa phương! Để có việc làm cho người lao động và khấu hao xe máy, không ít doanh nghiệp địa phương đã phải nghiến răng "lại quả" cho các "tổng" và "tập đoàn"- đơn vị đã trúng thầu với số phần trăm "khó tin". Hầu như họ chỉ còn biết lấy công làm lời, vì nếu không làm thì công nhân đói và xe máy rỉ sét ngay!

Vì phải làm B phẩy nên các doanh nghiệp này phải chịu o ép đủ đường. Mà điển hình nhất là bị bên B chiếm dụng vốn. Theo nguyên tắc, hễ B phẩy thi công tới đâu thì bên B phải ứng vốn theo khối lượng công trình tới đó, nhưng không ít doanh nghiệp làm B phẩy phải méo mặt vì sự cù cưa không chịu trả tiền của bên B. Rút cục, được đồng lãi nào thì cũng "nuôi" ngân hàng mà thôi. Công trình đường Trường Sơn Đông là một ví dụ. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh bị đẩy vào đường cùng do không lấy được tiền từ B, trong khi khối lượng công trình hàng chục tỷ đồng đã bỏ vào đó. Không ít địa phương quan niệm rằng, miễn sao tỉnh mình có công trình là được, còn ai trúng thầu, mình không quan tâm. Quan điểm này vô hình trung đã đẩy các doanh nghiệp địa phương vào ngõ cụt.

Mặc dù Chính phủ đang hãm phanh đối với các công trình xây dựng cơ bản "không cần thiết", song việc "chạy vốn" vẫn cứ âm thầm diễn ra. Địa phương nào "tranh thủ" chạy vốn được thì nhờ, còn ai chậm chân hoặc cứng nhắc thì sẽ không có công trình cho địa phương mình. Để cho các doanh nghiệp địa phương có thể tồn tại và giải quyết được việc làm cho người lao động trong tỉnh thì các nhà quản lý cũng nên cân nhắc mỗi khi đặt bút ký duyệt qua mỗi công trình.


  Trần Đăng
 


.