Đục nước, béo cò

10:11, 07/11/2012
.

(QNg)- Cò vốn là một loài chim rất đỗi thân quen với đồng quê Việt Nam, hình ảnh bóng cò trên đồng lúa gợi bao nỗi yêu thương về quê hương thanh bình, nên thơ. Nhà thơ Xuân Diệu có câu thơ bất hủ: “Con cò trên ruộng cánh phân vân”, theo giải thích của chính nhà thơ, là ở hình ảnh cò bao giờ cũng đập cánh nhiều lần trước khi đáp hẳn xuống đất.

Con cò bay lả bay la hiện diện rất nhiều trong ca dao do những chủ nhân của ruộng đồng sáng tác. Con cò có khi tượng trưng cho đời sống lam lũ của người nông dân: “Con cò lặn lội bờ sông/gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Mượn ý này, nhà thơ Tú Xương viết về vợ mình: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Cũng có khi con cò tượng trưng cho sự thanh sạch, có lẽ từ sự khơi gợi của bộ lông trắng nõn nà của nó. Đến khi sắp vào chảo còn van vỉ: “Có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con!”

Người nông dân chân chất thấy ở con cò hình bóng lam lũ, lặn lội bùn đất đầy khổ ải nhưng thật trong sáng của chính mình.


Con cò rất đáng yêu. Thế nhưng không hiểu sao, lại có những câu không mấy tốt đẹp về cò, như xã hội có từ “cò đất”. Cò đi dụ nơi nọ, lừa nơi kia, móc nối với kẻ gian tham, làm cho việc đấu giá đất trở nên lộn xộn, một chủ trương đúng đắn của Nhà nước bị vô hiệu. Lại có loại “cò” chuyên lừa người lương thiện bán rẻ đất để móc nối với bọn mánh mung hưởng lợi. Đúng là “đục nước, béo cò”. Ai cũng có thể hiểu, một mình “cò” không thể đủ sức để quấy đục không khí xã hội đến vậy. Đứng sau “cò” là những kẻ tay trong giấu mặt. Do vậy mà muốn các loại “cò” không còn làm gì được, thì phải lật mặt kẻ đứng sau, những kẻ cơ hội, mất phẩm chất, làm méo mó chủ trương chính sách, giảm lòng tin trong nhân dân để mưu lợi.

Có những kẻ chân còn lấm bùn đất, nhưng người ta không còn thấy sự chân chất đâu cả từ khi hắn đã trở thành “cò”. Suy cho cùng thì tính xấu của loài người đã bôi xấu cho con cò, chứ con cò nào có lỗi. Cái lỗi của con người lại có thể đổ vấy cho loài cò hiền hòa đáng yêu được chăng?

Nước đục thì thân cò vất vả dễ thêm mồi mà thôi. Còn làm cho đục nước để cho mình “béo” lên dễ thường chỉ có ở loài người. Bởi thân cò lặn lội chẳng bao giờ có thể béo lên cả.

Đáng buồn thay, những kẻ gian ngoan đã bôi xấu cho loài chim dễ thương, không bằng được loài cò đến chết còn van vỉ: Có xáo thì xáo nước trong...


  Minh Tuệ
 


.