Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71

08:11, 30/11/2012
.

Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ ngành khẩn trương soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, ngày 29/11, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an tiến hành đánh giá và có kiến nghị về việc thực hiện Nghị định 71, trong đó, có việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông.


Bộ Tư pháp đã báo cáo việc quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông là cần thiết. Nhưng cả Bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải và Công an đều nhìn nhận thực tế có 2 điểm khi tổ chức thực hiện chưa thông trong nhân dân: Thứ nhất, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện lại phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có đúng là chủ phương tiện hay không. Đây là việc thực hiện không đúng quy định của Nghị định 71.

“Chúng ta có những quy định hợp pháp, hợp lý nhưng cách tổ chức thực hiện cũng cần có bước đi phù hợp, gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân. Chủ trương đúng mà không tuyên truyền tốt thì cũng có thể gặp khó khăn khi thực hiện”, Người phát ngôn Chính phủ nói.

Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 cho đúng.

Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an, tạm thời chưa thực hiện việc xử phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện.

Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính cùng các bộ xem xét, kiến nghị mức phí chuyển quyền sở hữu, sang tên đổi chủ phương tiện phù hợp, đồng thời xem xét quy trình thực hiện sang tên đổi chủ  đối với xe cũ sao cho thuận tiện nhất đối với người dân.

Chia sẻ thêm về vai trò của báo chí trong họat động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến người dân, Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tất cả các Nghị định, Luật, Pháp lệnh văn bản pháp luật đều được chuẩn bị, xây dựng và ban hành theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó luôn luôn có yêu cầu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi. Nhưng có nhiều văn bản pháp luật khi đăng tải lấy ý kiến rộng rãi thì các cơ quan báo chí chưa tuyên truyền mạnh, khi đi vào thực hiện thì mới thấy có vấn đề phát sinh.

Vì vậy, cần huy động, khuyến khích người dân tham gia ngay vào quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, trong đó, vai trò tuyên truyền của báo chí rất quan trọng.



Theo Phương Nguyên/Chinhphu.vn


.