20.000 ha rừng bị thủy điện “ngốn”

01:11, 01/11/2012
.

Bộ NN-PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện từ năm 2006-2012.


Phá nhiều trồng ít

Theo Bộ NN-PTNT, hơn 6 năm qua, đã có 19.792 ha rừng tại 29 tỉnh, thành bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Trong số này có đến 3.060 ha rừng phòng hộ, 4.411 ha rừng đặc dụng phải nhường đất cho thủy điện. Rừng tại khu vực Tây Nguyên bị thủy điện “ngốn” nhiều nhất, với 8.162 ha, tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ với 4.532 ha.

 

Cuối năm 2010, khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, hàng chục căn nhà của người dân xã Đắc PLao, huyện Đắc G’Long, tỉnh Đắc Nông bị chìm trong nước. Ảnh: CAO NGUYÊN
Cuối năm 2010, khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, hàng chục căn nhà của người dân xã Đắc PLao, huyện Đắc G’Long, tỉnh Đắc Nông bị chìm trong nước. Ảnh: CAO NGUYÊN


Riêng tỉnh Đắk Nông có 8 dự án, diện tích rừng bị chuyển đổi lên đến 3.300 ha, trong đó có đến 2.600 ha rừng đặc dụng nhưng diện tích rừng trồng bù bằng… 0,  dù Nghị định 23/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đã quy định rõ chủ đầu tư phải trồng lại rừng. Không chỉ riêng Đắk Nông, Bộ NN-PTNT nhận định tình trạng không trồng bù lại rừng đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được các địa phương lưu ý chấn chỉnh. Tính đến tháng 10-2012 mới chỉ có 8 trong số 29 tỉnh, thành thực hiện việc trồng bù rừng với diện tích 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã chuyển đổi.

Bộ NN-PTNT nhận định: Phần diện tích rừng bị chuyển đổi trên thực tế có thể lớn hơn con số 19.792 ha vì khi xây dựng thủy điện sẽ kèm theo nhu cầu về đất tái định cư, đất sản xuất của người dân… số liệu này đến nay chưa được các địa phương thống kê. Bên cạnh đó, công tác cắm mốc giới, xác định hành lang bảo vệ lòng hồ, bảo vệ đập thực hiện chậm dẫn đến vùng lòng hồ, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, rừng bị tàn phá không kiểm soát được.


Hậu quả gây ra cho cộng đồng không nhỏ

Các thủy điện tuy góp phần giải quyết an ninh năng lượng nhưng hậu quả gây ra cho cộng đồng không nhỏ. Người dân và cộng đồng nơi bị ngập phải di dời, đời sống rất khó khăn. Do hầu hết các thủy điện được xây dựng ở vùng núi cao, khu đầu nguồn nên việc chuyển đổi rừng tự nhiên đã làm thay đổi dòng chảy, gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đá và ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong khu vực. Chưa kể, nhiều dự án thủy điện không có trong quy hoạch, thường được địa phương bổ sung khiến quy hoạch ngành lâm nghiệp phải điều chỉnh theo.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Thủ tướng hạn chế ở mức thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để xây dựng thủy điện. Đối với các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khi phê duyệt dự án đầu tư phải đồng thời phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Mọi trường hợp không có phương án trồng rừng thay thế được duyệt thì kiên quyết không được khởi công đầu tư.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, TP bố trí đất để các dự án trồng lại rừng. Trường hợp địa phương không có đất phải yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của Trung ương để bộ bố trí trồng rừng ở tỉnh khác. Các trường hợp chủ đầu tư không trồng lại rừng cần phải xử lý nghiêm.


 
Theo THU SƯƠNG/Người lao động


.