Quảng Ngãi: Họp khẩn bàn biện pháp đối phó với bão số 7

03:10, 04/10/2012
.

* Tạm hủy tất cả các cuộc họp để chỉ đạo phòng chống bão

(QNĐT)- Chiều 4/10, UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ chủ trì đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp ứng phó với cơn bão số 7 đang hoạt động trên biển Đông và khả năng ảnh hưởng tới tỉnh ta. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh; các huyện, thành phố.

TIN LIÊN QUAN


Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, bão số 7 hoạt động trên Biển Đông và có tên quốc tế là GAEMI.

Bão số 7 đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Nam. Hồi 7 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 118,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại cuộc họp.


Dự báo trong 24 giờ tới, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Khả năng dự kiến vào khoảng bắt đầu từ đêm ngày 5/10 đến ngày 7/10 bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Quảng Ngãi (từ trưa chiều 5/10 bão sẽ ảnh hưởng đến vùng biển tỉnh Quảng Ngãi). Cường độ bão khi đổ bộ mạnh khoảng cấp 8 - 9, giật cấp 11, 12. Khu vực ảnh hưởng toàn tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên khả năng khu vực giữa và phía bắc tỉnh ảnh hưởng nặng hơn phía nam. Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp. Bão có thể mạnh lên và di chuyển nhanh hơn, đồng thời có thể gây mưa trên diện rộng.

Theo báo cáo nhanh BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 4/10, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển tại các khu vực là: 875 phương tiện/8.171 lao động. Cụ thể:  Vùng biển quần đảo Hoàng Sa: 6 phương tiện/88 lao động; Vùng biển quần đảo Trường Sa: 112 phương tiện/ 2.463 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Bắc: 265 phương tiện/ 2.032 lao động; Vùng biển các tỉnh phía Nam: 215 phương tiện/ 1.612 lao động; Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi: 277 phương tiện/ 1.976 lao động.

 

Các địa phương ven biển cần khẩn trương đưa tàu tìm nơi trú bão an toàn.
Các địa phương ven biển cần khẩn trương đưa tàu tìm nơi trú bão an toàn.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 7, Văn phòng thường trực ban chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Ngãi đã dự thảo Công điện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc sẵn sàng ứng phó với bão số 7 và mưa, lũ có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, trong đó, đề nghị tập trung vào một số nội dung trọng tâm như sau tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các Công điện của Trung ương và tỉnh đã phát hành.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các huyện ven biển và huyện Lý Sơn sử dụng tất cả các phương tiện thông tin liên lạc hiện có kêu gọi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến và hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi tránh trú bão an toàn; vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là vùng biển từ Bắc Vĩ tuyến 13 đến Vĩ tuyến 17.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền; thống kê cụ thể danh sách, vị trí, tình hình di chuyển tránh trú bão và thông tin liên lạc của các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, báo cáo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh trước 11 giờ ngày 5/10/2012. Thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền.

Nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra khơi từ 18 giờ ngày 4/10/2012; tổ chức hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Kiểm tra, rà soát, chằng chống nhà cửa, kho tàng, xưởng sản xuất, trụ sở cơ quan, trường học; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối, những nhà yếu có nguy cơ bị đổ, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, lũ quét; triển khai cắt, tỉa cành cây, đốn chặt cây có nguy cơ đổ ngã; gia cố panô, áp phích, biển quảng cáo yếu; triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó bão, lũ.

Kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện; đảm bảo giao thông thông suốt, bố trí lực lượng kiểm soát người và phương tiện giao thông qua các ngầm, tràn, bến đò, các đoạn đường thường xuyên bị ngập khi có lũ xảy ra; cắm biển báo nguy hiểm và canh gác tại những vị trí có nguy cơ sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông; kiểm tra, rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ, đập các công trình thủy lợi, thủy điện và an toàn vùng hạ du.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Lê Viết Chữ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh cho rằng, đây là cơn bão mạnh, phức tạp và đang khả năng ảnh hưởng vào Quảng Ngãi.

Ngay sau cuộc họp này, đề nghị lực lượng biên phòng và các huyện ven biển, khẩn cấp kêu gọi hướng dẫn các tàu tìm nơi trú bão an toàn. Có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị các nước trong khu vực cho tàu thuyền ngư dân vào tránh trú bão. Lực lượng công an, biên phòng, quân đội triển khai ngay phương án cứu hộ cứu nạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện ngay trong chiều 4/10, phải khẩn trương kiểm tra đối với các xã ven biển, các xã miền núi có nguy cơ sạt lở phải khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. Phải khẩn trương kiểm tra các hồ đập, thủy điện...

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên cung cấp chính xác thông tin về diễn biến của cơn bão số 7 trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và chính quyền địa phương chủ động theo dõi và tổ chức phòng chống bão có hiệu quả.

 

M.Toàn

 


.