Khi thành phố mở rộng

04:10, 07/10/2012
.

(QNg)- Theo đề án mở rộng địa giới hành chính của TP Quảng Ngãi đến năm 2015 thì thị trấn Sơn Tịnh và toàn bộ các xã phía đông của huyện này cùng với 3 xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An của huyện Tư Nghĩa sẽ trực thuộc TP Quảng Ngãi. Đến thời điểm đó, diện tích của TP Quảng Ngãi sẽ là 16.000 hecta, có 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường với số dân lên tới 246 ngàn người, gấp 5 lần diện tích hiện tại, gần gấp đôi dân số hiện có. To thật và cũng rộng thật! Nhưng vẫn băn khoăn trước nhiều vấn đề đặt ra.

Phát triển đô thị là một nhu cầu tự thân một khi "chiếc áo" cũ của đô thị quá chật, không còn phù hợp nữa. Trước đây, "đô thị" của Quảng Ngãi chỉ là xã Cẩm Thành, loanh quanh khu vực chợ Quảng Ngãi và mấy con đường quanh chợ. Đến sau ngày chia tỉnh thì một số xã của thị xã Quảng Ngãi đã thành "phường", cái tên thị xã cũng "mất" theo để khoác lên mình hai tiếng "thành phố". Và rồi, thành phố đã không dừng lại  bên hữu ngạn sông Trà mà đã "sang sông" như kế hoạch trên đây. Việc mở rộng thành phố Quảng Ngãi về hướng bắc để sau này "kết nối"  với KKT Dung Quất là một hướng phát triển đúng đắn. Thành phố có thêm núi và biển nên Quảng Ngãi có đủ các yếu tố về "thiên thời" để phát triển theo hướng hiện đại.

Hay tin sắp tới mình trở thành "người thành phố", rất nhiều người dân ở các địa phương thuộc hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa vừa vui mừng nhưng lòng không khỏi băn khoăn với câu hỏi: Mình "về" thành phố thì sẽ được lợi gì, hay chỉ khoác lên người cái tên là công dân thành phố cho … oách? Thời còn bao cấp, một khi có hộ khẩu "thành phố" thì quyền lợi luôn gắn liền, từ việc mua lương thực cho đến … chất đốt, nhưng ngày nay, chế độ tem phiếu không còn nữa, vậy "người thành phố" sẽ được gì? Trước hết là giá đất đô thị sẽ không như thời "nhà quê" nữa, dù vẫn là đang ở quê! Tiền thu thuế hằng năm cũng sẽ khác với thời còn ở huyện. Mức đóng góp "tự nguyện" vào các khoản công ích cũng theo cách của "người thành phố".

Tóm lại là, xét dưới góc độ "tốn thêm" thì rõ ràng, khi đã trở thành công dân của thành phố thì trong một chừng mực nào đó, "gánh nặng" cũng sẽ kèm theo với người dân. Tuy nhiên, điều mà họ quan tâm không hẳn là chuyện phải đóng góp các khoản sẽ cao hơn khi còn ở huyện mà là cơ sở vật chất, mức "hưởng thụ" liệu có tương thích với cái danh mà họ đang mang không? Dĩ nhiên là việc đầu tư hạ tầng cũng sẽ được quan tâm hơn để cho xứng với "cấp" thành phố, rồi chuyện y tế, giáo dục, văn hóa cũng sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, đó sẽ là câu chuyện hãy còn rất xa vời chứ không hẳn là đến năm 2015, khi đã mở thành phố thì mâm bát cũng sẽ bày ra sẵn.

Một khi diện tích đã tăng lên gấp 5 lần như thế, câu chuyện về quy hoạch đô thị cũng sẽ là vấn đề luôn luôn thời sự. Không thể gọi là thành phố một khi mạnh ai nấy xây, mạnh ai nấy "lấn". Chỉ còn 3 năm nữa, một chiếc áo mới sẽ được khoác lên cho TP Quảng Ngãi.


 Trần Đăng
 


.