Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận tại tổ

03:10, 24/10/2012
.

(QNĐT)- Sáng ngày 24/10/2012, tiếp tục ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 và tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.

Tham gia thảo luận ý kiến, ông Nguyễn Cao Phúc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã phát biểu một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và kế hoạch năm 2013.
 

 ĐBQH Nguyễn Cao Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, sáng ngày 24/10/2012
ĐBQH Nguyễn Cao Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách, sáng ngày 24/10/2012

 

Về tình hình kinh tế - xã hội, ông Phúc đánh giá cao những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong điều kiện bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, kết quả thực hiện đạt 10/15 chỉ tiêu (5 chỉ tiêu dự kiến không đạt, gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP tăng 5,2%/6-6,5% kế hoạch; tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; Tạo việc làm; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng); các chính sách về an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm.


Bên cạnh đó, một số vấn đề khó khăn đã được ông Phúc đặc biệt quan tâm liên quan đến đời sống của người dân, nhất là người lao động, người dân vùng nông thôn, miền núi; hàng hóa nông sản mà người dân trực tiếp bán ra thị trường vẫn ở mức giá thấp, không đủ trang trãi cho các chi phí đầu vào và đảm bảo cho đời sống. Hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, hàng hóa tồn kho còn quá lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt với lãi suất thấp còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp ngưng sản xuất và giải thể cao (tính đến 30/9/2012 là 40.190 doanh nghiệp), ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động.

Liên quan đến một số chỉ tiêu năm 2013, theo ông Phúc, cần xác định và xây dựng mục tiêu tăng trưởng trên quan điểm đảm bảo các mục tiêu trung hạn, bền vững. Vì hiện tại, Chính phủ còn phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu về: Ưu tiên kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì mức tăng trưởng hợp lý; nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội,… nên việc xây dựng chỉ tiêu không nên quá tập trung cho tăng trưởng GDP trong ngắn hạn và thống nhất với quan điểm đặt chỉ tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý để thực hiện tốt các mục tiêu khác, tạo tiền đề cho phát triển thời gian sau.

Đối với chỉ tiêu giảm nghèo, theo kế hoạch giảm nghèo bình quân cả nước là 2%/năm, trong đó khu vực các huyện nghèo giảm 4%/năm. Cần xem xét lại khả năng thực hiện mục tiêu này. Bởi vì, mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 30a để hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, nhưng thực tế nguồn ngân sách bố trí hàng năm cho các huyện nghèo còn rất hạn chế (mức bình quân chỉ khoảng 110 tỷ/huyện/năm), dẫn đến khó thực hiện đồng bộ các mục tiêu.
 
Hơn nữa, do đặc trưng về cái nghèo và khả năng thoát nghèo ở miền núi có những điểm khác với đồng bằng do điều kiện về tự nhiên, hạ tầng cơ sở, tỷ lệ nghèo cao, tư liệu, nguồn lực sản xuất, tập quán canh tác hạn chế… nên rất cần có nguồn lực đủ mạnh và tập trung hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành cho thúc đẩy phát triển khu vực miền núi.

Ngoài ra, với ý kiến đề xuất của Chính phủ về lùi thời gian tăng lương, ông Phúc chia sẻ những khó khăn về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cần phải xem xét để huy động các nguồn thu, nguồn tiết kiệm chi để có mức tăng lương và xác định tăng vào thời điểm hợp lý để cải thiện đời sống của người lao động, nhất là người hưởng lương hưu, đối tượng chính sách, đảm bảo lộ trình đã xác định.

Liên quan đến đề xuất các giải pháp thực hiện, ông Phúc đã đề xuất 3 giải pháp xử lý các vấn đề:

- Về xử lý nợ xấu: Nên thành lập Công ty mua bán nợ, hoạt động theo cơ chế thị trường, mô hình quản lý theo Hội đồng quản trị dưới sự giám sát của các Bộ, ngành quản lý. Thực hiện việc phân loại, mua bán nợ xấu để xử lý nợ xấu, thúc đẩy thanh khoản tài sản nhằm tạo dòng lưu chuyển vốn tốt cho nền kinh tế.

- Về đầu tư công trình xây dựng cơ bản: Chính phủ cần xem xét phát hành thêm trái phiếu Chính phủ (nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá mức huy động trong kế hoạch đến năm 2015) để tiếp tục huy động vốn, đầu tư hoàn thiện các dự án xây dựng cơ bản tạm ngưng theo Nghị quyết 11, sớm đưa vào khai thác phát huy hiệu quả công trình, khắc phục tình trạng lãnh phí, hiệu quả sử dụng thấp và tạo điều kiện để kích cầu, giải phóng hàng tồn kho, nhất là đối với vật liệu xây dựng và tạo việc làm, cải thiện đời sống người lao động.

- Về chính sách hỗ trợ cho nông dân: Đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người dân, xem xét lại mô hình, cơ chế hoạt động của các ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách và một số ngân hàng thương mại trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân để người dân có khả năng tiếp cận tốt các nguồn vốn với lãi suất và thời hạn hợp lý, thúc đẩy sản xuất, bảo quản, lưu trữ, chế biến nông sản nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ dành thời gian 2 ngày 30 và 31/10/2012 để tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước.


Lê Hoàng Tân (lược ghi)

 

.