Người quản trang

01:07, 21/07/2012
.

(QNg)- "Quản" đây không phải là "quản lý" theo kiểu “chỉ đạo từ xa". Đơn giản, người quản trang là người hàng ngày chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

TIN LIÊN QUAN


Tôi vừa đi viếng mộ hai liệt sĩ quê Cao Bằng hi sinh tại Ba Tơ-Quảng Ngãi trong chiến dịch mùa hè năm 1972 được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Hòa (Mộ Đức). Có thể nói, Nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Hòa là một trong số ít nghĩa trang liệt sĩ cấp xã đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nghĩa trang tọa lạc trên một ngọn đồi có nhiều cây xanh, và bên trong nghĩa trang cũng được phủ xanh bằng những cây hoa đại-loại cây có hoa trắng hay vàng thường được trồng ở các chùa chiền và nghĩa trang. Khi chúng tôi vừa tới cổng nghĩa trang, một bác nông dân  chừng hơn 50 tuổi đã nhanh nhẹn chạy tới mở cổng đón chúng tôi vào. Bác tự giới thiệu là người quản trang của nghĩa trang liệt sĩ này.

Suốt thời gian chúng tôi thắp hương và làm lễ, bác chăm chỉ quét dọn khắp nghĩa trang vốn đã rất sạch sẽ này, tới mức không còn một chiếc lá vàng nào còn vương trên các lối đi giữa những hàng bia mộ.

Khi tôi hỏi, bác làm quản trang có được lương hay phụ cấp hàng tháng không, thì bác nhỏ nhẹ nói rằng mình được xã chọn làm quản trang và được xã cấp cho hai sào ruộng loại đất 5% để sản xuất. Có vậy thôi. Xã không có phụ cấp gì thêm cho bác, do không có kinh phí.

Chỉ được cấp hai sào ruộng để sản xuất, nhưng người nông dân ấy trong khi làm ruộng đã không hề rời tầm mắt khỏi nghĩa trang mà mình "quản". Bác gần như quanh quẩn suốt ngày trong nghĩa trang, giúp đỡ những thân nhân liệt sĩ từ xa tới viếng thăm các ngôi mộ người thân ở đây. Bác thuộc từng tên các liệt sĩ trên các ngôi mộ trong nghĩa trang, và nói rành rọt về những ngôi mộ đã được gia đình ở ngoài Bắc vào xin rước về quê để an táng cho liệt sĩ được gần gia đình.

Nhưng với hai ngôi mộ liệt sĩ quê Cao Bằng mà chúng tôi đến viếng, dù gia đình đã vào viếng nhiều lần, nhưng có lẽ do thấy người thân của mình nằm ở một nghĩa trang rất khang trang và ấm áp, nên đã không xin bốc mộ về quê, mà vẫn để hai liệt sĩ nằm ở đây, bên cạnh những đồng đội của mình. Sự khang trang của một nghĩa trang liệt sĩ có thể có được nhờ kinh phí và trách nhiệm khi xây dựng, nhưng sự ấm áp ở một nghĩa trang liệt sĩ chỉ có khi ở đó có người quản trang, và người quản trang này thực sự có tấm lòng, có tình cảm với các liệt sĩ và thân nhân của họ khi lặn lội từ phương xa tới viếng thăm.

Nếu nghĩa trang liệt sĩ cấp xã nào cũng được như nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Hòa-vừa khang trang vừa ấm áp, lại có một người quản trang tận tâm như bác nông dân kia, thì chắc chắn thân nhân các liệt sĩ khi đến viếng sẽ được an ủi rất nhiều.

Từ đó, tôi nghĩ, mỗi nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh đều nên có ít nhất là một người quản trang. Với những nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, người quản trang là do xã chọn, nhưng phải là người chăm chỉ, có tâm và có đức.


Sở LĐ-TB&XH tỉnh cần xin một khoản kinh phí thường xuyên để phụ cấp cho những người quản trang. Và mỗi xã, tùy khả năng của mình, cũng hỗ trợ cho họ theo hình thức nào đó, để họ có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho nghĩa trang mà mình "quản".

Chỉ có như thế, các nghĩa trang liệt sĩ của chúng ta mới đạt được hai yêu cầu: khang trang và ấm áp, nó phản ánh đúng tâm nguyện của nhân dân đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.


Thanh Thảo
 


.