Cạnh tranh với… nông dân

02:07, 05/07/2012
.

* TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Năm nay chưa phải là năm đỉnh hạn ở miền Trung, hai cơn bão ngoài biển Đông đã “giải hạn” bằng những trận mưa khá lớn vào giữa tháng 6 và đầu tháng 7 tại các tỉnh Trung Bộ nên các hồ đập trong khu vực này chưa đến mức phải báo động về mực nước chết. Ấy vậy mà hàng chục vạn dân ở vùng hạ du các con sông lớn như Thu Bồn, Vu Gia của Quảng Nam và sông Ba của Phú Yên đã ngắc ngoải vì khát nước ngọt.

Chưa hết, tình trạng nước biển theo các cửa sông này xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục cây số khiến các trạm bơm nước ngọt tưới cho các cánh đồng phải “đứng bánh” vì không thể tưới nước mặn cho lúa. Hàng trăm hecta lúa ở bắc Quảng Nam, TP Đà Nẵng và TP Tuy Hòa của Phú Yên đang chết khô vì thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Một điều dễ nhận thấy là, địa phương nào không có các công trình thủy điện ở thượng nguồn như nam Quảng Nam, Quảng Ngãi và bắc Bình Định, dẫu cùng chung một “trời” nhưng lại không bị hạn nặng như những nơi có công trình thủy điện. Điều đó khiến người dân nhận diện thủ phạm gây ra tình trạng nhiễm mặn là không quá khó khăn.

 

Cửa xả đáy của thủy điện Đắk Mi 4 không mở theo cam kết là một trong những nguyên nhân khiến nước sông Vu Gia xuống mạnh - Ảnh: Phan Chung
Cửa xả đáy của thủy điện Đắk Mi 4 không mở theo cam kết là một trong những nguyên nhân khiến nước sông Vu Gia xuống mạnh - TTO


“Lúa chết khát và người phải uống nước mặn” là những cụm từ đang phủ lên đầu hàng chục vạn nông dân khắp các tỉnh miền Trung có công trình thủy điện hiện nay.

Từ ngày chủ đầu tư của thủy điện Đăk Min 4 “nắn dòng” chảy từ  sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, cứ vào mùa nắng nóng, cả Đà Nẵng như phát sốt vì thiếu nước ngọt. Đà Nẵng đã từng khiếu nại tới Chính phủ và đòi chủ đầu tư của thủy điện Đak Min 4 phải trả nước trở lại sông Vu Gia ít nhất là 48m3/s nhưng họ chỉ “nhỏ giọt” 7m3/s.

Năm nay, tình trạng tích nước của thủy điện Đak Min 4 càng “tích cực” hơn khiến Đà Nẵng càng khát nước dữ hơn. “Chúng tôi không thể xả 25m3/s được vì xả như thế thì lấy đâu ra nước để phát điện?” Đại diện ban quản lý của thủy điện Đăk Min 4 đã “lý sự” như thế.

Nếu như Đăk Min 4 là thủ phạm gây hạn hán và nhiễm mặn cho bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng do không trả nước lại cho sông Vu Gia thì ở Phú Yên, thủ phạm của việc gây ra cảnh khát nước ngọt là một loạt công trình thủy điện nằm dọc sông Ba, bắt đầu từ thủy điện Ka Nat tại thị xã An Khê tỉnh Gia Lai. Hiện tại, hầu như tất cả các công trình thủy điện trên sông Ba “kiên quyết giữ nước”, bất chấp yêu cầu của tỉnh Phú Yên lẫn sự chỉ đạo của Bộ Công thương với lý do là thiếu nước và thực hiện chủ trương “phát điện cạnh tranh”!

Năm nào cũng lặp lại điệp khúc quen thuộc này của thủy điện: “nắng-tích nước mọi giá; mưa-xả lũ cấp tập”. Năm nay ngành điện còn thêm chủ trương “phát điện cạnh tranh” nên việc tích nước càng tích cực hơn. Cạnh tranh với ai chứ sao lại đi cạnh tranh với nông dân?

 


.