150 tỷ và 695 tiến sĩ, thạc sĩ

08:06, 10/06/2012
.

(QNg)- Theo đề án vừa được công bố mới đây, đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đào tạo tổng cộng 45 tiến sĩ và 650 thạc sĩ. Đề án cũng nói rõ là, trong số trí thức nói trên, bao gồm cả việc thu hút nhân tài từ nơi khác đến. Lộ trình để có được số tiến sĩ, thạc sĩ trên đây là 9 năm, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2015 sẽ đào tạo 20 tiến sĩ và 300 thạc sĩ; giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020 sẽ đào tạo nốt số còn lại.

Tổng kinh phí để đào tạo cho số tiến sĩ, thạc sĩ trên là 150 tỷ đồng. Bình quân ngân sách phải chi cho mỗi người hơn 200 triệu đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ với một tỉnh không dư dả gì như Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nếu đội ngũ khoa học kỹ thuật được đào tạo trên đây mà phát huy hiệu quả thì con số 150 tỷ kia quả là nhỏ bé. Vì rằng, trong các loại hình để đầu tư thì đầu tư cho giáo dục là mau "hoàn vốn" nhất nếu như đối tượng được đầu tư ấy phát huy tối đa những gì mà mình học được.

Không phải đến hôm nay, Quảng Ngãi mới dùng tiền ngân sách để chi cho việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà từ hơn 10 năm trước, công việc này đã được khởi động. Thời ấy, vào đầu những năm 2000, những ai đi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì được tỉnh trả đủ lương 100%, nếu người nào tốt nghiệp loại giỏi thì sẽ được thưởng 10 triệu đồng (mười triệu hồi đó rất có giá chứ không phải như bây giờ). Tỉnh nghèo mà nuôi kỹ, lại thưởng đậm cho những ai học giỏi, thế cũng là được lắm rồi.

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là chất lượng đào tạo và cách sử dụng số người được đào tạo. Trước hết nói về chất lượng đào tạo. Hẳn Sở Nội vụ sẽ có con số thống kê cụ thể là sẽ có bao nhiêu người tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ loại giỏi nhưng sẽ không thống kê nổi số "giỏi" ấy đã làm được gì so với số tiền mà ngân sách đã bỏ ra "nuôi" họ. Gần như ai đi học tiến sĩ, thạc sĩ cũng đều khá, giỏi cả. Nghĩa là, ai cũng được tỉnh "thưởng" sau khi tốt nghiệp.

Một trong những tiêu chí để lấy đầu vào là phải bước qua cửa ải ngoại ngữ nhưng rất nhiều người có học vị hẳn hoi nhưng vô cùng bối rối khi gặp một người nước ngoài vì họ không nói được tiếng Anh. Đành rằng, những người có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ ở Quảng Ngãi không phải ai cũng sử dụng ngoại ngữ trong công việc hàng ngày nhưng "đối tác" là người nước ngoài sẽ rất ngạc nhiên khi thấy số trí thức này phải trò chuyện với họ bằng… tay! Cũng có người rất xứng đáng với tấm bằng mà họ có được sau những năm "cày cuốc". Số giỏi này lúc nào cũng sẵn sàng dứt áo ra đi. Đi vì nhiều lẽ, nhưng có một cái lẽ mà ai cũng biết, đó là cách dùng người.

Thời Trường CĐSP Quảng Ngãi chưa nâng cấp lên thành Đại học Phạm Văn Đồng, số thạc sĩ, tiến sĩ tập trung khá đông tại đây. Và cũng không ít vị tiến sĩ đã bỏ xứ mà đi chỉ vì cách sử dụng người chưa hợp lý của các nhà tổ chức.


Vì lẽ đó, 150 tỷ để có từng ấy trí thức, nói "rẻ" cũng được mà nói "đắt" cũng chẳng sai, vì nó còn tùy thuộc vào chất lượng đào tạo và cách dùng người nữa.


  Trần Đăng
 


.