Sai phạm ở Vinalines sẽ được xử lý nghiêm

01:05, 28/05/2012
.

Trả lời các câu hỏi của báo chí về sai phạm xảy ra ở Vinalines vừa qua, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012 diễn ra chiều nay, 27/5, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những sai phạm ở Vinalines.
 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam khẳng định: DNNN khi có sai phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam khẳng định: DNNN khi có sai phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đối với một quốc gia biển như Việt Nam, việc phát triển ngành vận tải biển là rất quan trọng, điều đó đã có sự chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua.


Về vụ việc xảy ra ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), việc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong việc mua ụ nổi là trái với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trái với quy định của đầu tư. Vụ việc này đã được các cơ quan điều tra và đã khởi tố vụ án, bị can, đã thi hành những biện pháp ngăn chặn đặc biệt.

“Chủ trương của Chính phủ là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã trực tiếp chỉ đạo và có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao tiến hành những công việc cần thiết để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm, tái cơ cấu doanh nghiệp trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được tiến hành trong suốt thời gian qua, mục tiêu sắp xếp DNNN đảm bảo một mặt giữ vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, một mặt tạo môi trường thuận lợi, và bình đẳng đối với các loại hình DN khác. Tất cả các DNNN, không riêng Vinashin và Vinalines, đều chịu sự quản lý của pháp luật. Trong Chính phủ đã phân công các bộ, ngành theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo dõi, giám sát chỉ đạo theo quy định của pháp luật. Hàng năm đều có kế hoạch thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định, bất kỳ DN nào khi cơ quan thanh tra của Đảng, Nhà nước nhận thấy có sai phạm đều phải chuyển sang cơ quan điều tra và xử lý nghiêm.

Về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinalines làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, việc bổ nhiệm này là đúng thẩm quyền và đúng quy trình thủ tục theo các quy định về cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Tại thời điểm Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị ông Dương Chí Dũng thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinalines để bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải là tháng 12/2011. Bộ Nội vụ, theo quy định, là cơ quan thẩm định đã có văn bản thẩm định vào tháng 1/2012, tất cả đều trước thời điểm cơ quan Thanh tra có dự thảo kết luận.

Tháng 2/2012 Thanh tra Nhà nước mới có dự thảo kết luận. Trong các hồ sơ liên quan báo cáo trước thời điểm đó đều chưa có các thông tin về sai phạm của ông Dương Chí Dũng.

Riêng đối với việc bàn giao một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, việc sai phạm của Vinalines liên quan đến việc mua ụ nổi diễn ra từ năm 2007, năm 2010 mới chuyển một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines. Khi đó, Vinashin không còn ban lãnh đạo, không còn vốn và các điều kiện cần thiết, nếu không có các biện pháp kịp thời thì một loạt các doanh nghiệp của Vinashin sẽ đổ vỡ, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và người lao động. Trước tình hình đó, các bộ, ngành, các cơ quan liên quan đã đề xuất. Chính phủ đã rất thận trọng và chuyển nguyên trạng một số đơn vị của Vinashin sang Vinalines trên tinh thần những đơn vị được chuyển này cùng ngành nghề kinh doanh với Vinalines. Trong đó, nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của cách DN, tất cả các DN đều được hạch toán riêng.

Chính phủ luôn nhất quán trong công tác điều hành, nhất là khi xây dựng Đề án tái cơ cấu DN, các DNNN để giữ vai trò chủ đạo thì phải tiếp tục được sắp xếp đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các DNNN trước hết với trách nhiệm của mình, được Nhà nước giao vốn, giao quyền kinh doanh phải làm thật tốt trách nhiệm của mình.

Các cơ quan quản lý Nhà nước phải nâng cao trình độ quản lý, không chỉ về quản lý vốn, cán bộ mà còn về định hướng, chiến lược kinh doanh.

DNNN khi có sai phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo VGP


.