Đối phó với hiểm hoạ do thiên tai

01:04, 03/04/2011
.

(QNg)- Xem lại các hình ảnh được phát đi phát lại trên tivi về thảm cảnh ở nước Nhật do động đất, sóng thần gây ra, bất cứ ai cũng cảm thấy bàng hoàng và xót xa. Ở nước ta chưa từng xảy ra những đợt sóng thần có đỉnh lên đến 14m, động đất từ 8 độ richter trở lên, nhưng bão lũ triền miên đã gây thiệt hại rất nặng nề cho nhiều vùng miền, nhất là khu vực miền Trung.

Đi tìm nguyên nhân vì sao mức độ thiệt hại quá to lớn và để lại hậu quả quá nặng nề, các nhà quản lý cho rằng, ngoài sức tàn phá của thiên tai thì phần nhiều là do các nguyên nhân chủ quan. Đó là ý thức và kỹ năng ứng phó thiên tai của không ít  bộ phận dân cư còn yếu. Đó là việc chưa chủ động thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", trong khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ còn mỏng, chưa được trang bị các phương tiện chuyên dùng, khả năng ứng cứu hạn chế và hiệu quả kém... Ngoài ra còn có một nguyên nhân cơ bản ít được đề cập là, thiếu sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong phòng chống lụt bão ở một số địa phương. Có khi lệnh từ Trung ương, từ tỉnh phát ra nhưng ở huyện, xã triển khai chậm, không đồng bộ, lại thiếu kiểm tra nên kém hiệu quả. Trong khi đó bão lũ, lốc tố xảy ra lại không theo quy luật và không lệ thuộc vào ý chí của con người.

Ba tháng đầu năm nay thời tiết ở nước ta tiếp tục diễn biến bất thường và có hiện tượng cực đoan. Đợt rét đầu năm được coi là đợt rét lịch sử. Sau rét đậm rét hại là rét trái mùa rất hiếm thấy. Theo các chuyên gia khí tượng thì điều đó báo hiệu thời tiết năm nay sẽ hết sức phức tạp và khó lường.

Để đối phó với hiểm hoạ có thể xảy ra do thiên tai, nhất là bão lũ lớn, ngay từ bây giờ chúng ta phải triển khai đồng bộ phương án phòng chống hạn hán đồng thời với bão lũ. Công việc đầu tiên phải làm là trang bị cho người dân, từng hộ gia đình về ý thức thường trực phòng chống bão lũ và các kỹ năng, thao tác cần thiết khi bão lũ xảy ra. Cần chuẩn bị sớm nơi sơ tán an toàn cho người và súc vật khi có thiên tai. Chính quyền cấp cơ sở cần vận động nhân dân các vùng trũng, vùng thấp bỏ tiền hoặc hùn vốn sắm chung ghe nhỏ để dễ dàng di chuyển, sơ tán khi có lũ lụt. Mỗi tổ dân phố, thôn, ấp ít nhất phải lập được một đội cứu hộ, cứu nạn để ứng phó kịp thời, nhanh nhạy khi có thiên tai ập đến.

Hệ thống chính trị các cấp phải được tăng cường về trách nhiệm phục vụ dân, xem việc phòng tránh, đối phó với hiểm hoạ thiên tai là nhiệm vụ chính trị của cấp mình, ngành mình, địa phương mình. Cần xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả phục vụ nhân dân và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Không để có tư tưởng "phần ta ta cứ lo, còn thiên hạ mặc kệ".

Một biện pháp nữa cũng không kém hiệu quả là chính quyền các cấp cần huy động sự đóng góp, tài trợ nhân ái của các tổ chức, cá nhân, để xây công trình tránh lũ, tránh bão cho dân. Khi chưa có lũ có bão thì đây là nhà sinh hoạt, hội họp của dân. Các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn Nhà nước như trường học, trạm y tế, cầu cống, đường giao thông… cũng phải được tăng cường giám sát, để bảo đảm chất lượng, có khả năng phòng chống được bão lũ ở mức độ không quá nghiêm trọng. Cuối cùng là phải có biện pháp hữu hiệu, thông qua việc tuyên truyền nhắc nhở thường xuyên, để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng tránh và đối phó với thiên tai. Kinh nghiệm cho thấy ở nơi nào phát huy được trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng chống lụt bão, thì ở nơi đó mức độ thiệt hại do thiên tai sẽ giảm đi và ngược lại.

  Thanh Tánh

.