Chuyển dịch cơ cấu lao động: Còn nhiều thách thức

03:06, 21/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp (LĐNN) trong tổng lao động của tỉnh còn 40%. Thế nhưng, đến nay tỷ lệ LĐNN của tỉnh còn đến 45,58%.
Phân luồng học sinh và hướng nghiệp dạy nghề là nhiệm vụ quan trọng, để thời gian tới tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành khác.
Phân luồng học sinh và hướng nghiệp dạy nghề là nhiệm vụ quan trọng, để thời gian tới tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành khác.
Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các các lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ (CN - DV) đang là bài toán khó. Một trong những nguyên nhân chính là các ngành CN - DV của tỉnh chưa thật sự bứt phá để “hút” lao động từ ngành nông nghiệp sang. Công tác đào tạo nghề cho người lao động cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, đồng thời nhiều LĐNN còn khá e ngại, thiếu tự tin khi khoác lên mình chiếc áo công nhân, nhất là đối với lực lượng lao động nông thôn, miền núi.
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn: "Cấp cơ sở chưa nhận thức đúng việc chuyển dịch lao động"
 
Thời gian qua, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang CN - DV trên địa bàn tỉnh ta đã có sự chuyển dịch, tuy nhiên vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Có nhiều nguyên nhân như: Công tác phối hợp, truyên tuyền thông tin đến người lao động của các cấp chưa đồng bộ; nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) tuy số lượng nhiều, nhưng chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể nên có sự cạnh tranh rất lớn. Ngoài ra, năng lực của không ít người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng; thu nhập của người lao động làm việc trong KKT Dung Quất và các KCN tỉnh còn thấp; các chế độ phúc lợi, đãi ngộ ở một số DN chưa được chú trọng, nên tình trạng công nhân “nhảy việc” thường diễn ra; người lao động còn thụ động trong tìm kiếm việc làm...
 
Tới đây, Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hướng tới phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, CN - DV. Tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động theo cơ cấu kinh tế. Điều tra, nắm chắc nhu cầu nhân lực của các DN; định kỳ cập nhật, phân tích dự báo cung-cầu lao động. Chủ động tạo nguồn lao động để kịp thời hỗ trợ, kết nối, cung ứng lao động cho các DN. Đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, định hướng đến các thị trường chất lượng cao để nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, để người lao động sau khi về nước sẽ bổ sung vào lực lượng lao động có tay nghề và kỹ thuật cao. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm ở khu vực phi nông nghiệp...
 
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng: "Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp đi đúng mục tiêu" 
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, từ đầu nhiệm kỳ thành phố đã xây dựng các nhiệm vụ, chỉ tiêu một cách cụ thể. Trong đó, xác định việc chuyển dịch bộ phận lao động từ nông nghiệp sang CN - DV là ưu tiên hàng đầu. 
 
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo tiền đề để cơ cấu kinh tế thay đổi khi thu nhập bình quân đầu người 3.050 USD/người/năm, đạt 101,67%, tăng 76,3% so với đầu nhiệm kỳ, góp phần tạo sự chuyển dịch lao động một cách mạnh mẽ. Theo đó, đầu nhiệm kỳ thành phố xác định chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là 17,53%. Qua 5 năm thực hiện không những đạt mà còn vượt kết quả đề ra khi tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chuyển dịch sang các lĩnh vực khác đạt 18,49% (tăng 0,96%).
 
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành: "Thay đổi nhận thức cho lao động phổ thông không dễ"
 
Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang CN - DV là ưu tiên hàng đầu của huyện trong nhiệm kỳ qua, song qua 5 năm, tỷ lệ LĐNN vẫn còn chiếm đến 32,4%, so với đầu nhiệm kỳ giảm 12,8%. Con số này cho thấy tỷ lệ lao động phụ thuộc vào nông nghiệp vẫn còn cao. 
 
Tư duy và ý thức thay đổi phương thức làm việc từ nông nghiệp sang CN - DV của một bộ phận lao động chưa cao, nên nhiều người không muốn vào làm việc trong các DN. Điểm khó của một huyện thuần nông như Tư Nghĩa là đa phần lao động chính phụ thuộc vào nông nghiệp, còn lực lượng lao động trẻ thì đi các tỉnh thành phía Nam làm việc. Trong khi đó, hạ tầng công nghiệp chưa tạo được sự đột phá. Hoạt động thương mại dịch vụ vẫn còn thấp, nên chưa kéo được phần lớn lao động trong ngành nông, lâm nghiệp chuyển nghề.
 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Văn Dương: "Tỷ lệ LĐNN còn cao là do CN - DV phát triển chậm”
 
Có 5 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ trọng LĐNN còn cao là do ngành CN - DV phát triển còn chậm, không thu hút được lực lượng LĐNN chuyển sang. Tay nghề, tác phong lao động của số đông lao động nông thôn chưa đáp ứng được xu thế phát triển CN. Năng suất trong nông nghiệp còn thấp, dẫn đến lực lượng lao động làm việc trong nông nghiệp cao. Công tác đào tạo nghề thời gian qua chưa như kỳ vọng, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều DN chưa mặn mà tham gia công tác đào tạo nghề. Muốn công tác đào tạo nghề lôi cuốn được DN tham gia thì tỉnh phải tăng tính kết nối thông qua các hợp đồng đào tạo nghề. Bên cạnh đó, muốn giảm tỷ lệ LĐNN cần sớm áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào nông nghiệp để tăng năng suất, từ đó sẽ dư thừa lực lượng lao động và chuyển dịch dần sang CN - DV.
 
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Đàm Minh Lễ: “Tập trung chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động”
 
Đến cuối năm nay, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi giải quyết việc làm cho 52.400 lao động và phấn đấu đến năm 2025 sẽ giải quyết việc làm cho 77.400 lao động; góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang CN-DV. 
 
Để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu trên, Ban Quản lý sẽ tăng cường phối hợp với các DN và các đơn vị liên quan để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về ngành nghề, nhất là lao động có tay nghề cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các DN. Chủ động nắm bắt kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động của các DN và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều đợt, nhiều sàn giao dịch việc làm tại nhiều nơi khác nhau để tuyển dụng lao động đạt hiệu quả.
 
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc-Quảng Ngãi Nguyễn Tưởng Duy: "Cần sự liên kết nhiều nhà"
 
Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư bài bản phục vụ đào tạo nghề, tuy nhiên công tác tuyển sinh vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh bậc THCS, THPT chưa hiệu quả. Đồng thời, việc đào tạo chỉ chú trọng đến tạo việc làm theo chiều rộng, chứ chưa chú trọng đến chất lượng việc làm. Một số chính sách hỗ trợ việc làm chưa được hướng dẫn cụ thể để khuyến khích các DN tạo việc làm cho nhiều lao động. Các chính sách, nội dung đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp với nhu cầu DN và lao động tại cơ sở.
 
Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang CN - DV cần xem trọng công tác đào tạo nghề. Một trong những giải pháp đặt ra là cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước - DN - người lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo, sử dụng lao động.      
 
 
P.D - X.H - L.Đ
(thực hiện)
 

.