Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội

11:10, 29/10/2021
.

 

Văn hóa chính là cột mốc chủ quyền quốc gia quan trọng nhất, vì nó bắt nguồn từ yếu tố con người và những giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc. Do đó, trong suốt hơn 90 năm lãnh đạo đất nước, Đảng luôn quan tâm chăm lo phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Từ ngàn đời nay, người dân Việt Nam luôn có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết… Những kết tinh đó đã tạo nên giá trị văn hóa Việt Nam, mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, từ khi Đảng ra đời cho đến cách mạng tháng Tám 1945, dẫu phải lãnh đạo quân và dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng Đảng cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa còn thì đất nước còn; văn hóa mất thì đất nước mất; văn hóa suy vong thì đất nước nguy vong. 
 
Nhận thấy vai trò quan trọng đó của văn hóa, năm 1943, Đảng đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam, với chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, với phương châm “tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”, dựa trên ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa”. 
 
Điều đó cho thấy, sự ra đời của Đề cương văn hóa không chỉ dừng lại ở bước tiến trong nhận thức, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về công tác văn hóa đối với cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Đó là, văn hóa phải đi trước đón đầu, là ngọn đuốc soi đường, dẫn lối cho dân tộc Việt Nam. Vì thế, ngay khi cách mạng tháng Tám thành công, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Và cũng chính đường lối văn hóa này đã khích lệ tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp của quân và dân ta lúc bấy giờ, trong đó đỉnh điểm là Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954).   
Người cũng truyền đi thông điệp về lòng tự hào với truyền thống quê hương, đất nước cho nhiều thế hệ thanh, thiếu nhi với mong muốn dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.   

Văn hóa Việt Nam luôn đồng hành, đi lên cùng dân tộc, đất nước là vậy đó. Với chủ trương tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc, Đảng đã vận dụng sáng tạo vào trong điều kiện thực tiễn của đất nước. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân, giai đoạn (1954 – 1975), Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng thì trong đó có hẳn cuộc cách mạng tư tưởng - văn hóa, với mục tiêu là xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Đảng triển khai một cách sâu rộng trong cả nước về xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.  

 

Để phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn mới, năm 1998, Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tiếp đó, năm 2014, là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 

 
Từ thực tiễn đó cho thấy, chủ trương: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Cốt lõi của chủ trương đó là quyết tâm xây dựng con người Việt Nam có tinh thần độc lập, tự cường; biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; chú trọng phúc lợi nhân dân; coi trọng quyền làm chủ của nhân dân và có nền kinh tế phát triển. 
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”. Vì thế, văn hóa được coi là tài sản tinh thần của dân tộc Việt Nam. Mà một khi đã là tài sản của dân tộc thì mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp và phát huy để ngày càng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội. 
 
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư phân tích thêm: “Văn hóa con người chính là gốc rễ của sự phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước. Con người có tư tưởng lạc hậu, hạn chế thì đất nước sẽ lạc hậu. Con người có tư tưởng tiến bộ thì đất nước mới phát triển”. Nghĩa là, phát triển văn hóa phải đi đôi với phát triển kinh tế và giáo dục, đào tạo, nhằm xây dựng, bồi dưỡng để hình thành những con người mới… 
 
Vì thế, năm 1960, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Và Người cũng giáo huấn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Theo ông Cao Văn Chư, “trồng người” của Hồ Chí Minh ở đây là cả hệ thống chính trị và trong mỗi gia đình phải chăm lo cho sự nghiệp giáo dục để qua đó đào tạo nên những thế hệ công dân phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của cách mạng giai đoạn mới. Đó là những con người được đào tạo căn bản; cần cù, sáng tạo trong lao động; giàu lòng nhân ái, trọng nghĩa tình, đạo lý; giản dị trong lối sống; đủ năng lực và bản lĩnh trong quá trình giao lưu, hợp tác làm ăn với thế giới. 
 
Còn nhà thơ Thanh Thảo thì cho rằng, văn hóa nhân ái sẽ làm nên những điều tốt đẹp nhất trong tâm hồn con người Việt Nam, ngay ở những người ít học hoặc chưa có điều kiện tiếp cận giáo dục. Bởi lẽ, nó gần như có sẵn ở mỗi con người thiện tâm. Điều này được thể hiện rõ nét trong những đợt bùng phát dịch Covid-19 trong 2 năm (2020 – 2021), khi mà nhiều người có cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn tình nguyện ủng hộ kinh phí, ngày công tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Chính họ đã góp phần lan tỏa lối sống đẹp của dân tộc Việt Nam: “ Bầu ơi thương lấy bí cùng/Dẫu rằng khác giống nhưng chung một giàn” và giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, tiến đến phục hồi và phát triển kinh tế…  
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân, đến nay các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Văn hóa trong chính trị, kinh tế bước đầu được coi trọng và đặt con người Việt Nam làm trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Để văn hóa tiếp tục là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm, động lực và nguồn lực quan trọng phục vụ cho phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam.
 
 
Thực hiện: Đ.NGUYỄN – N.ĐỨC – T.PHƯƠNG – T.HẬU
Thiết kế, trình bày: L.H
 
(Còn nữa)
 
----------------
Kỳ 2: ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ

 

 

Xuất bản lúc: 11:10, 29/10/2021