Làng "hái lượm"

03:07, 15/07/2020
.

 

Không điện, không đường và nhiều cái không khác, đặc biệt được mệnh danh là “vùng hái lượm” cuối cùng còn lại ở Quảng Ngãi đó là những gì chúng tôi nghe kể về Làng Tranh (Thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, Huyện Minh Long), tất cả như thôi thúc bước chân của kẻ khám phá.

 

Biệt lập giữa đại ngàn

 

Xuất phát từ trung tâm xã Long Sơn chúng nhóm chúng tôi với 3 người di chuyển hướng về những ngọn núi xanh ngắt. Người dẫn đường của chúng tôi là anh Dố cán bộ đại chính xã thông thuộc cơ sở. Đi hết khoảng 5km đường bê tông, anh Dố báo trước mắt là quãng đường còn chừng… 15km băng rừng, lội suối mới đến được Làng Tranh trên - đây là cách gọi để phân biệt giữa các xóm của thôn Gò Tranh.
 
Sau hơn một giờ vật lộn với đoạn đường đầy đá sỏi hiểm trở chúng tôi bắt đầu tiến vào tán rừng tự nhiên, nơi lối đi như lòng suối khô cạn đầy đá to nhấp nhô, khó nhất là những đoạn dốc đứng trơn trượt do cơn mưa chiều hôm trước vẫn chưa kịp khô, với những rãnh nước chạy cắt ngang lối mòn do mưa rừng tạo nên.
 
 
Trước lúc xuất phát chúng tôi nghe cán bộ xã bảo mặc dù ở sâu trong rừng nhưng người nơi đây vẫn dùng xe máy làm phương tiện đi lại. Mường tượng về một chuyến đi êm xuôi và thuận lợi. Nhưng, có lẽ chúng tôi đã nhầm.
 
Hành trình càng lúc càng trở nên gian nan khi lối đi ngày càng hẹp dần vừa đủ lọt chiếc xe máy và độ khó của những con dốc cứ tăng dần. Chiếc xe gắn máy như thể đuối sức sau những màn diễn xiếc qua loạt con dốc chật hẹp, dựng đứng và nham nhở.
 
Sau gần 3 giờ leo dốc, băng rừng, vượt suối bằng xe máy, cuối cùng chúng tôi đã đến được “cổng làng” của xóm biệt lập, thực ra đó là chiếc cổng được dựng lên để ngăn gia súc.
 
Ngay từ đầu cổng là nhà của anh Đinh Văn Cư, thấy chúng tôi anh Cư niềm nở đón tiếp. Trải chiếu lên chiếc sạp gỗ trước nhà đón khách, anh Cư bảo: Nghe tiếng xe là biết ngay có cán bộ lên thăm bà con, chứ làm gì có ai biết đường mà vào tận đây, mấy ngày này người ở xóm dưới lên đây hái sim nhưng vài ba ngày mới có chuyến. Vì chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm chiếc xe máy hóa vô dụng.
 
Nhưng, đây vẫn chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng. Để đến được khu đông nhà nhất phải đi tiếp thêm 3 cây số nữa và đặc biệt phải vượt qua con dốc mà theo cán bộ ở đây nói vui là “anh đẩy em lên” mới có thể qua được. Thêm chừng bốn năm lần động cơ xe máy kêu xì xèo khi qua suối, cuối cùng chúng tôi đã đến nơi.
 
Vừa tới khu 6 nhà người dẫn đường nói với chúng tôi đây là chuyến đi thuận lợi nhất của anh từ trước đến nay. Vâng, đó là sự dễ dàng của người đã từng 4 lần vượt qua quãng đường gian nan để đến nơi đây. Còn với chúng tôi thì mồ hôi đã thấm tận ra áo khoác, hai cánh tay như rã rời vì phải gồng giữ tay lái suốt chặng đường. 
 
 

Đến "chợ di động" cũng không biết nơi này có tồn tại...

 

 
 
Làng Tranh có 9 hộ, với 50 nhân khẩu. Nhưng chỉ có người lớn còn ở lại, những đứa trẻ được gửi ở nhờ người quen dưới xã để đi học, đây cũng là thành quả sau nhiều năm vận động. "Mình đã khổ rồi, cực thêm nữa cũng không sao, lo hết cho con biết đâu sau này mình được nhờ", anh Đinh Văn Mang vừa bó mây vừa cười nói.
 
Còn nhớ, cách đây 10 năm để lấy vợ thì anh và cả họ nhà trai phải đi bộ băng rừng, lội suối vào tận làng để hỏi cưới; cũng là ngần ấy năm anh trở thành người Làng Tranh. Vợ anh đang mang bầu đứa thứ hai, đứa con gái đầu trong lần may mắn vượt khó thành công nay đã được 9 tuổi, vợ chồng gửi về phía nội để tiện việc đi học. "Cực nhất lúc ốm đau, có ca sinh đẻ khó phải nhờ người khiêng ra xã. Không có sóng điện thoại nên cũng không thể gọi người đến giúp", anh Mang kể với ánh mắt chất chứa niềm ưu tư.
 
Tiếp chuyện, anh Dố nói: Người trên này dùng điện chạy bằng sức nước, tuabin đặt ngoài suối, chỉ đủ để thắp sáng. Còn tivi hay điện thoại ở đây là một thứ gì đó xa xỉ lắm! Bà con đói thông tin nên nghèo mãi. Đến những người bán hàng kiểu "chợ di động" đi khắp hang cùng ngõ hẻm là thế nhưng cũng chả biết nơi này có người sống.
 
Cũng đúng, vì nếu không rành đường thì người lạ chắc gì đã giám đi xa thế để vào tận đây. Đến những cán bộ xã cứng chân đi, vững tay lái nhất như anh Dố cũng phải ngán ngẫm với hành trình vào làng.
 
Đường sá trắc trở, nơi rừng phòng hộ nên không được trồng và khai thác keo. Cuộc sống phụ thuộc vào cây mây rừng. Những bó mây cứ theo chân đàn ông trai tráng vượt qua bao đèo dốc hiểm trở, chông chênh mới đưa được về nhà, sản xuất ra các vật dụng sinh hoạt hoặc đưa xuống núi để bán, trao đổi nhu yếu phẩm.
 
 
Không có cây mây thì dân làng chẳng biết kiếm sống bằng gì. Chăm chỉ lắm thì mỗi ngày mỗi người cũng khai thác được tầm vài trăm ký, với giá bán năm ngàn đồng/kg như hiện nay cũng chỉ đủ tiền lo cho con trẻ. “Mấy năm nay khai thác cũng gần hết, những cánh rừng xa khuất nhất cũng dần vắng bóng cây mây. Sắp tới nếu hết mây cũng chưa biết làm gì kiếm tiền”- anh Mang thở dài.
 
Đáng mừng, với đàn bò, đàn dê, gà do trên này có môi trường thuận lợi để phát triển, bà con biết cách chăm sóc, không thả rông như nhiều nơi nên rất khỏe mạnh. Dân số ít, đời sống khó khăn, họ xem vật nuôi chẳng khác gì người thân. Đặc biệt, nhờ thời tiết thuận lợi nên những vườn rau, củ, quả, trái cây phát triển xanh tươi, cải thiện bữa ăn hằng ngày.
 
 
"Cái mặc thì thỉnh thoảng có cán bộ dưới xuôi lên cho. Còn ở đây có gì ăn đó, bữa nào thiếu thì lên rừng kiếm rau quả về ăn qua ngày. Mười mấy hai mươi ngày mới có người ra xã, ai cần mua gì thì nhờ mua hộ luôn”, Cụ Đinh Thị Mái (78 tuổi) người lớn tuổi nhất làng, kể.
 
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm của các cấp, những ruộng lúa nước đã góp phần cải thiện lương thực cho bà con nhưng chỉ với 1ha, cộng với cách canh tác lạc hậu nên chẳng đủ vào đâu.
 
 

"Còn người, còn rừng"

 

 

 
Khu vực người Làng Tranh đang ở thuộc một phần diện tích rừng phòng hộ của huyện Minh Long. Dù khan hiếm đất canh tác, dù đói nghèo diễn ra triền miên, nhưng 100% hộ dân đều tự nguyện giữ rừng, không vì cái ăn mà khiến rừng 'chảy máu'. Người làng quan niệm sâu sắc rằng, rừng là tài sản vô giá đem lại nhiều lợi ích nên “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
 
Để minh chứng, anh Cư dẫn chúng tôi đi xem thành quả mà bao năm qua các hộ dân đã một lòng chung sức bảo vệ. Những cây gỗ chò, gỗ xoan hàng trăm năm tuổi cùng nhiều cây gỗ quí khác vẫn luôn xanh tươi, phát triển tốt ngay cạnh nơi người dân sinh sống. Nhiều cây 2-3 người ôm không xuể, sừng sững cùng thời gian, thách thức cả sự khắc nghiệt nhất nơi miền đất khó.
 
“Rừng đã ban tặng sự sống, để các hộ dân tựa vào mà sinh tồn. Rừng là cha, là mẹ, nếu không bảo vệ nghiêm ngặt, rừng cũng chẳng ôm ấp, chở che lấy mình. Bảo vệ rừng là chiến công mà người làng dâng Giàng để tạ ơn”, anh Cư nhấn mạnh.
 
 
Tổ bảo vệ rừng ở Làng Tranh được thành lập từ nhiều năm nay và hầu hết các hộ dân đều tham gia. Hằng tháng, cánh đàn ông, trai tráng lặn lội lên đường tuần tra 2-3 lần trong tháng và khi có lệnh đột xuất đều sẵn sàng vào rừng truy quét. Những cánh rừng còn in dấu chân người bước vội, những kiểm lâm” địa bàn vẫn thầm lặng giữ màu xanh nơi đại ngàn.
 
Không biết từ bao giờ người Làng Tranh lại có ý thức giữ rừng cao như thế, bấp bênh với một vụ lúa trong năm đáng lẽ họ có quyền 'đòi hỏi' nhiều hơn ở những cánh rừng bạt ngàn kia nhưng không, chẳng ai bảo ai họ vun vén màu xanh cho rừng thiêng. 
 
Với 1 ha thì mỗi thành viên tổ bảo vệ rừng nhận được 400.000 đồng/ năm. Tùy theo diện tích nhận khoán mà số tiền được nhân lên, dân làng vì thế cũng có thêm quyết tâm giữ rừng. "Được nhà nước quan tâm hỗ trợ là người làng vui rồi", anh Mang cười, nói.
 

 


 

Bao giờ thoát cảnh cheo leo?

 

Làng Tranh - một ngôi làng đặc biệt ở huyện miền núi Minh Long. Cách đây khoảng 10 năm, chính quyền địa phương đã từng có phương án di dời người dân xuống vị trí thuận lợi, có quỹ đất để định cư. Thế nhưng, giải pháp thời đó và nhiều lần sau này vẫn chưa đủ sức thuyết phục người dân, đây cũng là thách thức lớn cho chính quyền.
 
Nhớ lại ngày ấy, nhiều cán bộ địa phương vẫn không quên cảnh vất vả “bò” lên đến làng đi vận động, cùng ăn, cùng ở với dân làng. "Vào tới nơi, bà con bỏ trốn hết vì sợ người lạ. Phần vì chỉ có đất định cư, mà không có đất sản xuất, phần vì họ vẫn lưu luyến cánh rừng, con suối ở Làng Tranh nên không chịu xuống núi. Trình độ dân trí thấp, công tác dân vận gặp nhiều khó khăn. Sau những lần như vậy, chính quyền đành bỏ cuộc. Kế hoạch di dời người dân đành bỏ lỡ...” Chủ tịch UBND huyện Minh Long Võ Đình Tiến nhớ lại.
 
Hàng chục năm ròng rã sống một cuộc sống của những người rừng ở nơi “thâm sơn, cùng cốc”, biệt lập với thế giới bên ngoài. Nguyện vọng của 9 hộ dân ở Làng Tranh đều mong muốn được thoát khỏi cảnh “tù lao” này. Bởi lẽ giờ đây, họ hiểu sẽ chẳng có con đường bê tông, đường điện nào chạy đến làng để thắp sáng thôn, xóm. Chính quyền cũng không thể hỗ trợ mỗi ngày mà chỉ có bản thân họ tự lực vươn lên.
 
“Giờ ở đây mình là người lớn tuổi nhất, cũng không biết sống được bao lâu nữa. Chỉ mong con cháu sau này sẽ đỡ khổ hơn mình”, cụ Mái bộc bạch. Nói rồi, cụ thả ánh mắt vào khoảng không, hướng về dưới lối nhỏ, ít ai biết cũng đã nữa năm rồi cụ và đứa con gái út chưa xuống thăm cháu. 
 
 
Chúng tôi rời Làng Tranh trước khi mặt trời lặn. Mới 5 giờ chiều nhưng buổi tối dường như đến sớm hơn. Cụ Mái và bà con trên này cứ hối thúc chúng tôi rời núi. Mùa này hay có những cơn mưa rừng bất chợt vào buổi chiều, đường trơn trượt, sạt lở, dễ bị chia cắt, nguy hiểm...
 
Ánh mắt chờ mong của các hộ dân cứ ám ảnh mãi không thôi. Có lẽ vì những đôi mắt kia đã 'thiếu sáng' quá lâu, ánh sáng của văn minh sau những dãy núi cao ngút xanh thẳm kia.  
 
Thực hiện: THIÊN HẬU - TRẦN TƯƠI
 
 
Xuất bản lúc: 03:07, 15/07/2020