Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: "Cánh chim" không mỏi

09:01, 01/01/2019
.

 

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ được nhiều người trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cả nước biết đến và nể phục. Hàng chục năm qua, ông vẫn lặng lẽ tận hiến cho nghệ thuật bài chòi bằng những kịch bản có giá trị nghệ thuật cao và "làm sống lại" loại hình nghệ thuật bài chòi ở Quảng Ngãi. Ông xem đó là niềm đam mê của riêng mình và là cơ hội để "trả nợ" với quê hương.

 

TIN LIÊN QUAN

Giải đặc biệt từ "Núi rừng năm ấy"

Trong đêm bế mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 diễn ra vào cuối tháng 10, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh, nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ vinh dự nhận được giải đặc biệt và Bằng chứng nhận của Ban tổ chức cho vở diễn “Núi rừng năm ấy”. Vở diễn cùng lúc mang lại cho đoàn nghệ thuật Quảng Ngãi (Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi biểu diễn) những huy chương danh giá.

 

Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ (thứ 3, từ phải qua) bên các thế hệ học trò của mình trong lĩnh vực nghệ thuật bài chòi.
Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ (thứ 3, từ phải qua) bên các thế hệ học trò của mình trong lĩnh vực nghệ thuật bài chòi.


“Núi rừng năm ấy” là vở kịch được ông Nguyễn Thế Kỷ viết năm 1965, khi còn là một sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông Kỷ nhớ lại: Lúc đó, khi nghe tin có đoàn dũng sĩ ở miền Nam ra Hà Nội báo công cho Bác Hồ, Chính phủ về câu chuyện đánh Mỹ ở miền Nam, trong đó có miền Tây Quảng Ngãi, tôi đến dự để nghe ngóng tin tức và sau đó viết ngay đề cương cho tác phẩm.

Tác phẩm “Núi rừng năm ấy” được ông viết trong khoảng 5 năm và đến tận 10 năm sau đó mới chính thức dàn dựng cho các nghệ sĩ ở Đoàn Dân ca kịch tỉnh Nghĩa Bình biểu diễn, mà khi đó ông là trưởng đoàn. Dưới tài năng của vợ chồng nghệ sĩ Trịnh Công Sơn và Trần Thị Mỹ Lệ, cặp kép chính trong vai A Roong và Y Mai, nên tác phẩm “Núi rừng năm ấy” đã tạo được tiếng vang lớn lúc bấy giờ.

 Nội dung tác phẩm là một câu chuyện có giá trị lịch sử và nhân văn, phản ánh tinh thần anh hùng, ý chí quật cường của nhân dân miền Tây Quảng Ngãi; là sự kiện lịch sử mở đầu cho phong trào đồng khởi của cách mạng ở miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.  Hàng chục năm sau, tác phẩm này vẫn được đông đảo khán giả quê nhà đón nhận, điều đó khẳng định rằng, bài chòi vẫn hiện diện, có sức hút mãnh liệt trên quê hương núi Ấn - sông Trà. “Niềm vui của tôi không phải là giải thưởng. Tôi muốn mang bài chòi đến cho người dân quê mình xem nhiều hơn, gần gũi hơn nữa với đời sống người dân, để họ luôn tự hào rằng, Quảng Ngãi có bài chòi rất hay. Nơi đây là cái nôi của nghệ thuật bài chòi”, ông Kỷ bộc bạch.
 
Tình yêu và sự tận hiến

 Bài chòi bắt nguồn từ hát hố, nhưng loại hình hát hố thì chỉ có ở Quảng Ngãi. Vì thế, theo nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, Quảng Ngãi được xem như cái nôi của nghệ thuật bài chòi. Sự kiện Nghệ thuật bài chòi được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã mang đến niềm vinh dự cho 9 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Việc giới thiệu để Quảng Ngãi đăng cai, gặt hái những thành công tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc cũng ghi dấu không nhỏ những cống hiến lặng lẽ của một “cây đa, cây đề” như ông.

Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ và NSND Lê Tiến Thọ hướng dẫn các diễn viên thực hiện các trường đoạn trong vở
Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ và NSND Lê Tiến Thọ hướng dẫn các diễn viên thực hiện các trường đoạn trong vở "Núi rừng năm ấy".


Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Quảng Ngãi gặp khó khăn khi không có đoàn nghệ thuật bài chòi chuyên nghiệp. Điều đó có nghĩa là Quảng Ngãi không đủ điều kiện để tham gia hội diễn. Nhưng rồi, trong một cuộc họp với Ban tổ chức liên hoan vào đầu năm 2018 tại tỉnh Ninh Thuận, một ý nghĩ lóe lên trong ông, đó là chỉ có cách Quảng Ngãi đăng cai liên hoan thì bài chòi Quảng Ngãi mới có đất “dụng võ” và để nhiều nơi biết đến. "Tôi đã thuyết phục Ban tổ chức liên hoan để Trung tâm Bảo tồn Nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi tham gia hội diễn và đã gặt hái thành công", ông Kỷ kể.

 

Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ  hướng dẫn các kỹ năng cho diễn viên Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi.
Nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ hướng dẫn các kỹ năng cho diễn viên Trung tâm Bảo tồn nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi.


Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: Nguyễn Thế Kỷ là một tác giả lớn của sân khấu Việt Nam. Từ cách đây hơn 40 năm, ông đã có những vở diễn nổi tiếng, như “Đốm lửa núi Hồng”, “Núi rừng năm ấy”, “Người lão bộc của vua Quang Trung”; sau này là những tác phẩm “Những đứa trẻ không cô đơn”, “Thánh Gióng”, “Sóng trào biển động”... được nhiều đơn vị sân khấu chọn để dàn dựng. Ngoài vai trò tác giả, giới sân khấu còn hết sức ngưỡng mộ khi ông còn là nhà quản lý, nhà đào tạo xuất sắc, toàn tâm, toàn ý "nuôi sống lại" bài chòi ở Quảng Ngãi.

 Sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, suốt một quãng đời trai trẻ, ông phiêu bạt khắp nơi. Từ Hà Nội, Hà Tĩnh đến Bình Định, về lại Quảng Ngãi và cuối cùng vào TP.Hồ Chí Minh để sum vầy cùng con cháu. Thế nhưng, ông vẫn cống hiến hết mình cho thơ văn, nghệ thuật bài chòi.

Bạn bè, khán thính giả, bạn thơ văn, người yêu nghệ thuật sân khấu, yêu bài chòi luôn ghi nhận và trân trọng nhưng cống hiến của ông trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu. Dù đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn luôn cho rằng mình còn nặng nợ với quê hương. Vì thế mà ông vẫn miệt mài sáng tác như để "trả món nợ" đó. Nhiều tác phẩm về quê hương đã ra đời như thể hiện đúng tâm tư, nỗi lòng và sự cống hiến của ông. Có thể nhắc đến là những kịch bản điện ảnh “Trảm long mạch Trà Khúc”, “Uẩn khúc Cao Muôn”, “Kẻ trổ quê hương tôi”; văn xuôi “Quảng Ngãi giai thoại và truyền thuyết”; truyện thơ “Áo trắng màu không phai” viết về anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm...

Ở cái tuổi 88, người xưa thường nói: “lão lai tài tận”, nhưng với ông Nguyễn Thế Kỷ thì hoàn toàn ngược lại. Ông vẫn say sưa làm việc, vẫn miệt mài sáng tác, để lưu truyền hương thơm cho hậu thế.


Bài, ảnh: Thiên Hậu


 

Xuất bản lúc: 09:01, 01/01/2019