Có cần thiết cân bằng động bánh xe và cân chỉnh thước lái?

02:08, 26/08/2019
.
Mới đây, một số thành viên trên các diễn đàn ô tô đặt câu hỏi về trường hợp: ô tô mới mua được 2 ngày nhưng khi đi trên đường cao tốc với tốc độ 100 ~120 km/h thì vô lăng rung bần bật. Trường hợp này cũng diễn ra tương tự với ô tô chạy thời gian dài...
TIN LIÊN QUAN

Thắc mắc trên lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng ô tô vì điều này cho thấy người dùng thường không biết, hoặc không quan tâm điều chỉnh độ chụm, cân bằng bánh xe ngay khi mới mua hoặc qua thời gian sử dụng.
Cân chỉnh thước lái

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến góc lái, độ chụm của bánh xe thay đổi. Phổ biến là thói quen leo lên lề, đỗ xe nghiêng trong thời gian dài, vượt ổ gà… Thước lái không lệch ngay lập tức mà từ từ theo thời gian nên chủ xe thường không để ý quan tâm. Về lâu dài, thước lái không chuẩn sẽ dẫn đến hiện tượng lốp mòn không đều, xe có xu hướng tự chuyển hướng về một phía, vô lăng lệch, vô lăng rung lắc, gây mất an toàn khi di chuyển tốc độ cao.

Đó là lúc cần phải cân chỉnh thước lái và tập trung vào 3 góc: góc Camber (góc nghiêng theo trục đứng nhìn từ chính diện xe), góc Caster (góc nghiêng theo trục đứng nhìn từ bên hông xe) và góc Toe (độ chụm bánh xe, góc nghiêng nhìn từ phía trên). Giá trị góc Toe ảnh hưởng đến độ rung giật, góc Camber ảnh hưởng đến độ ồn của bánh xe khi di chuyển, góc Caster khiến xe có xu hướng nghiêng về phía bánh xe có góc Caster nhỏ hơn.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, cần cân chỉnh thước lái mỗi 10.000 km hoặc từ 6-12 tháng để đảm bảo an toàn khi sử dụng cũng như đảm bảo độ mòn bánh xe được đều.
Cân bằng động bánh xe

Cân bằng động bánh ô tô là việc điều chỉnh tạo độ cân bằng cho bánh xe để đảm bảo không tạo ra các rung lắc truyền động đến vô lăng ảnh hưởng đến thao tác điều khiển xe của tài xế. Sau một thời gian hoạt động, các bánh xe thường xuất hiện trạng thái thiếu cân bằng, nhất là với những xe di chuyển nhiều ở các vùng địa hình không bằng phẳng. Khi di chuyển tốc độ cao, bánh xe bị rung lắc khiến tài xế khó điều khiển và có cảm giác mất an toàn.

Để khắc phục tình trạng này cần cân bằng động bánh xe. Cách cân bằng sẽ được thực hiện bằng máy với kết quả là trọng lượng mặt trong và mặt ngoài bánh xe.

Nghe qua khá phức tạp nhưng thực tế, sau khi có kết quả máy đo kiểm, giải pháp cân bằng động bánh là sử dụng kẹp chì để cân bằng trọng lượng. Đơn giản là vậy nhưng rất ít chủ ô tô quan tâm trong khi chi phí cân bằng vô cùng rẻ. Cân bằng bánh xe cần thực hiện mỗi năm 1 lần và có thể thực hiện tại các cơ sở bán lốp, thay lốp xe.
Đảo lốp

Lốp xe là bộ phận quan trọng của ô tô vì trực tiếp tiếp xúc với mặt đường và nâng đỡ toàn bộ tải trọng cũng như ảnh hưởng đến an toàn, cảm giác lái, độ rung lắc, độ ồn. Trong quá trình sử dụng, lốp xe trước và sau sẽ mòn không đều tùy thuộc vào cấu tạo dẫn động và sự đối xứng của bánh xe.

Đảo lốp là một biện pháp nhằm kéo dài thời gian sử dụng của lốp xe ô tô, đồng thời nhắn nhở chủ phương tiện quan tâm hơn đến cân chỉnh thước lái, tránh hiện tượng mòn lốp không đều. Tuỳ theo xe dẫn động cầu trước hay cầu sau và lốp đối xứng hay bất đối xứng mà cách đảo lốp sẽ khác nhau. Đảo lốp nên thực hiện 10.000 km/lần.

Định kỳ cân chỉnh

Bất kỳ phương tiện nào cũng cần có thời gian bảo trì, bảo dưỡng. Ô tô lại càng cần thiết chế độ định kỳ bảo dưỡng và cân bằng vì liên quan đến sự an toàn của người tham gia giao thông. “Của bền tại người” không phải không có cái lý khi nhiều ô tô cũ vẫn chạy êm ngon lành so với các ô tô đời mới. Cân bằng động bánh xe và thước lái giúp người lái cảm nhận rõ cảm giác lái, tránh hiện tượng rung lắc gây mất an toàn và làm tiêu hao chi phí lốp xe.

Công tác cân bằng cũng đơn giản và chi phí gần như không đáng kể trong khi mang lại nhiều lợi ích cho chính người dùng ô tô. Thời gian thay nhớt xe, bảo dưỡng định kỳ cũng chính là thời gian lý tưởng để các ông chủ ô tô kiểm tra cân bằng động bánh xe và thước lái.  
 
 
Theo Ái Dân/Dân Trí
 

.