Rừng phòng hộ ở Sơn Long bị phá

11:10, 14/10/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Lâu nay, các xã như Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Lập, Sơn Tinh (Sơn Tây) được coi là những "điểm nóng" về phá rừng, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đứng từ xa nhìn về các cánh rừng phòng hộ xanh mướt, thì khó có thể nhận ra rừng ở đây bị tàn phá. 

[links()]

"Nhiều lần mai phục, đón lỏng các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép nhưng không bắt được, bởi lâm tặc có quá nhiều thủ đoạn và manh động, liều lĩnh...", đó là lý giải của nhiều cơ quan có chức năng bảo vệ rừng ở huyện Sơn Tây khi nói về tình trạng rừng phòng hộ ở đây bị tàn phá trong một thời gian dài.

 

CHỌN CÂY LÂU NĂM ĐỂ TRIỆT HẠ

 

Từ nguồn tin của người dân, đúng 5 giờ sáng ngày 12/10, chúng tôi bí mật đi bộ vào khu vực rừng phòng hộ ở xã Sơn Long. Sở dĩ phải xâm nhập bí mật vì theo thông tin mà chúng tôi nhận được, các đối tượng phá rừng thường xuyên cảnh giới nên nắm bắt thông tin rất nhanh. Nếu có người lạ vào cửa rừng, các đối tượng sẽ nhanh chóng thông báo cho nhau, di tản đến khu vực khác.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị triệt hạ
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị triệt hạ

Sau hơn một giờ đồng hồ thâm nhập sâu vào rừng, trước mắt chúng tôi hiện ra hàng chục cây gỗ lớn... có đường kính từ 50cm đến hơn 1m bị triệt hạ. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt đã từng thông tin với chúng tôi rằng, lâm tặc lén lút vào sâu trong rừng phòng hộ và lựa chọn những cây gỗ to nhất, tốt nhất để triệt hạ chứ không bao giờ đốn hạ gỗ "dỏm".  

Dấu vết trên các thân cây bị cưa xẻ có cả cũ và mới. Tại hiện trường, phần lõi của cây bị triệt hạ đã bị lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng. Còn các tấm gỗ bìa, gỗ bộng thì bỏ lại. Nơi đây như một "công trường" khai thác gỗ rừng. Gần đây, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương liên tục tổ chức truy quét lâm tặc. Thế nhưng, dấu vết cưa, xẻ gỗ ở hiện trường vẫn còn khá mới. Mùn cưa, dầu nhớt, nước uống, lâm tặc bỏ lại nằm vương vãi...

... như một công trường cửa xẻ gỗ.
... như một công trường cửa xẻ gỗ.

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho hay, tuy có trụ sở nhưng lâu nay chúng tôi ít khi thấy lực lượng nào trực ở đó. Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Long phân công nhiệm vụ cho cán bộ như thế nào  xã cũng không nắm rõ. Chúng tôi xác định ở địa phương có khoảng 3 - 4 đối tượng thường xuyên khai thác gỗ trái phép. Nhận định, họ khai thác gỗ để chở đi bán. Vì nếu không có đường dây thì làm sao họ tiêu thụ gỗ được?".

Điều đáng nói là, hoạt động khai thác gỗ trái phép ở rừng phòng hộ thuộc xã Sơn Long đã diễn ra trong một thời gian dài. Thủ đoạn khai thác ngày càng tinh vi. Đó là phá rừng "có trọng tâm, trọng điểm" - chọn những khoảnh rừng có gỗ tốt đốn hạ; mỗi nơi triệt hạ một ít, không tạo ra những vùng bị tàn phá lớn hòng tránh bị phát hiện. Tại hiện trường cũng có nhiều cây gỗ to may mắn không bị triệt hạ. Vì sau khi dùng cưa lốc, xẻ một ít phần gốc, lâm tặc thấy thân gỗ bị bộng nên “cho qua”.

Tại những cây gỗ lớn bị triệt hạ, lực lượng kiểm lâm có đến nơi, ghi lại thời điểm kiểm tra trên thân cây. Tuy nhiên, cũng có những cây gỗ lớn không được kiểm lâm đánh dấu. Có thể quá trình kiểm tra  không phát hiện, hoặc những cây gỗ này bị cưa sau các đợt kiểm tra của kiểm lâm. 

Gỗ bị chặt chưa được di chuyển ra bên ngoài.
Gỗ bị chặt chưa được di chuyển ra bên ngoài.

 

BẤT LỰC HAY BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ ?

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho rằng, tình trạng khai thác gỗ trái phép ở địa phương là rất nhức nhối. Từ đầu năm 2021 đến nay xã đã phối hợp với các cơ quan tổ chức vây bắt hàng chục vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép. Trong đó có nhiều vụ vây bắt bất thành.

Cây gỗ được cưa thành phách chuẩn bị chuyển ra khỏi rừng
Cây gỗ được cưa thành phách chuẩn bị chuyển ra khỏi rừng

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho hay: “Có hôm, lực lượng của chúng tôi mai phục xuyên đêm để truy bắt các đối tượng vận chuyển gỗ trên đường Trường Sơn Đông đi về hướng trung tâm huyện Sơn Tây. Nhưng khi phát hiện lực lượng chức năng, lâm tặc lập tức tăng tốc phóng xe ô tô chạy bạt mạng. Anh em buộc phải né tránh. Còn nếu chặn lại thì có thể bị xe ô tô của lâm tặc tông chết”.

Theo đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây, đơn vị đã tổ chức 75 đợt truy quét, 78 đợt kiểm tra, 105 đợt tuần tra bảo vệ rừng và phát hiện 23 vụ vi phạm. Trong đó có 2 vụ khai thác, vận chuyển và 2 vụ tàng trữ gỗ trái phép; đã tịch thu 24m3 gỗ xẻ thông thường, xử phạt hành chính trên 152 triệu đồng. 

Có đợt anh em kiểm lâm mật phục, nằm địa bàn cả tuần. Nhưng khi phát hiện kiểm lâm, lâm tặc vứt cưa lốc và bỏ chạy nên không bắt được. Chúng tôi khẳng định, việc rừng phòng hộ Sơn Long bị phá chủ yếu là do người dân khai thác gỗ về làm nhà chứ không có chuyện lâm tặc khai thác gỗ để bán”.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây
TRƯƠNG QUANG HỌC

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học cho biết, vùng giáp ranh các xã như Sơn Long, Sơn Lập, Sơn Bua, Sơn Liên, Sơn Tinh là những "điểm nóng" về tình trạng phá rừng. Từ đầu năm đến nay kiểm lâm huyện Sơn Tây đã nhiều lần tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng ở Sơn Long và có nhiều vụ bất thành. Có lần Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Công an huyện Sơn Tây khoảng 3 giờ sáng bí mật tiếp cận hiện trường vụ phá rừng nhưng không bắt được lâm tặc.

Cây gỗ này chưa được lâm tặc đưa ra khỏi rừng
Cây gỗ này chưa được lâm tặc đưa ra khỏi rừng.

Phóng viên đã cung cấp những hình ảnh, video ghi nhận hiện trường vụ phá rừng phòng hộ ở Sơn Long cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học. Sau khi xem xong, ông Học nhận định, những cây gỗ bị triệt hại do người dân cưa xẻ về làm nhà, nhưng cũng không loại trừ khả năng lâm tặc cưa xẻ về bán. Nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ có độ tuổi khoảng 70 năm. Rừng phòng hộ có nhiều cây đường kính lớn. Khi vào rừng khai thác trộm họ chọn những cây lâu năm để khai thác. “Không có chuyện lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép để bán với quy mô lớn”, ông Học lại khẳng định.

KIỂM TRA LẠI ĐỂ XÁC ĐỊNH QUY MÔ RỪNG BỊ PHÁ

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Duy Hưng: "Cách đây hơn một tuần, Hạt kiểm lâm huyện Sơn Tây đi kiểm tra vụ khai thác rừng trái phép ở xã Sơn Long. Hạt đã thông tin với Chi cục Kiểm lâm tỉnh rằng có khoảng 20 cây gỗ bị khai thác trái phép. Còn đường kính của số cây bị triệt hạ là bao nhiêu thì chúng tôi chưa nắm, vì Hạt chưa có báo cáo bằng văn bản. Chúng tôi phải xác định mục đích vụ khai thác rừng trái phép này là gì, và đường kính của các cây gỗ bị khai thác trái phép là bao nhiêu thì mới đánh giá được mức độ vụ việc. Trước mắt, Hạt kiểm lâm Sơn Tây sẽ phối hợp với BQL rừng phòng hộ tỉnh, chính quyền địa phương đi kiểm tra lại hiện trường, xác định lại khối lượng thiệt hại, sau đó sẽ đánh giá quy mô của vụ phá rừng là lớn hay nhỏ. Tôi cho rằng, lực lượng kiểm lâm ở Sơn Tây đã nỗ lực làm hết trách nhiệm bảo vệ rừng, không có sự buông lỏng trong công tác quản lý rừng phòng hộ".

Bài, ảnh: N.VIÊN

 


.