Thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính: Còn nhiều bất cập

10:06, 11/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) ra đời đã phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi VPHC; ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như cơ quan, người có thẩm quyền đã được nâng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi luật này cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Một trong những giải pháp hiệu quả nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức là công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật xử lý VPHC được tiến hành thường xuyên trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và thực hiện dưới nhiều hình thức. 
 
Nhiều cơ quan đã có văn bản hướng dẫn kịp thời các đơn vị trực thuộc triển khai các quy định về xử lý VPHC khi có vướng mắc phát sinh. Công tác tuyên truyền về pháp luật xử lý VPHC tùy theo từng lĩnh vực đều hướng tới những đối tượng cụ thể, có liên quan tới cuộc sống hằng ngày như lĩnh vực giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, đất đai, xây dựng...
 
Các địa phương đã ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC, kết hợp với thanh tra chuyên ngành. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thi hành pháp luật về xử lý VPHC, từng bước nâng cao chất lượng công tác áp dụng pháp luật xử lý VPHC. 
 
Việc thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện vẫn còn bất cập. ( Ảnh minh họa)                      ẢNH: PV
Việc thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện vẫn còn bất cập. ( Ảnh minh họa) ẢNH: PV
 
Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các vi phạm được xử lý nghiêm, tạo sự răn đe chung trong xã hội. Năm 2019, toàn tỉnh có 17.320 vụ VPHC, trong đó có 35 đối tượng áp dụng biện pháp thay thế nhắc nhở đối với người chưa thành niên. Toàn tỉnh ban hành 17.360 quyết định xử phạt VPHC, đã thi hành 16.886 quyết định. Tổng tiền phạt thu được trên 4,1 tỷ đồng...
 
Với sự vào cuộc quyết liệt, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, nhận thức của cộng đồng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, công tác này gặp không ít vướng mắc, lúng túng, trong đó chủ yếu xuất phát từ các quy định pháp luật. Đơn cử, một số thuật ngữ trong Luật Xử lý VPHC còn mang tính định tính, chưa giải thích rõ ràng, nên việc áp dụng trong thực tế chưa thống nhất, ví dụ như “trình độ lạc hậu” (Điều 7); “vi phạm hành chính nghiêm trọng” (Điều 25, 26); “vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”, “nhiều tình tiết phức tạp” (Điều 66); hành vi “trốn tránh”, “trì hoãn”, “côn đồ hung hãn” (Điều 118); “tài sản khác” (Điều 82)...
 
Hay như, quy định tại khoản 1, 2, Điều 38 Luật Xử lý VPHC quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp xã không quá 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện không quá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 76 và khoản 2, Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP lại quy định, thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp xã phạt tiền đến 10 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp huyện phạt tiền đến 100 triệu đồng. 
 
Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa quy định của Luật và Nghị định, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Đồng thời, Luật Xử lý VPHC cũng quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền, làm phát sinh nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên giải quyết, không đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt...
 
Trưởng phòng Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) Nguyễn Thanh Phương cho biết: Không chỉ có nhiều hạn chế, bất cập của các quy định về xử phạt VPHC, mà kinh phí và các điều kiện, phương tiện đảm bảo cho việc quản lý công các xử lý VPHC hiện nay cũng còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế, lực lượng thanh tra tại các đơn vị mỏng, khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm...
 
Do đó, để công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đạt hiệu quả, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý VPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
 
PV
 
 

.