Đẩy mạnh tuyên truyền để giảm nạn tảo hôn ở miền núi

02:10, 21/10/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sau 3 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã thu về kết quả khả quan. Tình trạng tảo hôn đã giảm mạnh, hôn nhân cận huyết thống cũng chấm dứt hoàn toàn.
Kịp thời can thiệp giảm dần số cặp tảo hôn
 
Cuối năm 2018, gia đình chị Đinh Thị Tung, thôn Bắc Hà, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) muốn gả con gái đi lấy chồng khi con chị chỉ mới 15 tuổi. Ngay khi biết được thông tin này, chính quyền địa phương đã đến nhà chị Tung để phân tích cho vợ chồng chị hiểu, gả con gái khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm luật pháp. Không những vậy, tảo hôn còn kéo theo rất nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai.
 
Ban đầu gia đình chị Tung không chịu nghe theo, mà khăng khăng bảo rằng, bao đời nay, dòng họ của chị vẫn cho con dựng vợ gả chồng từ thuở 14-15. Nhưng với sự kiên trì tiếp cận và thuyết phục, cán bộ xã đã giúp chị Tung hiểu được lý lẽ đúng. Hiện con gái chị đã trở lại trường học.

 

Chính quyền địa phương phối hợp cùng các hội đoàn thể tích cực đến nhà vận động các hộ gia đình để can thiệp ngăn chặn việc tảo hôn
Chính quyền địa phương phối hợp cùng các hội đoàn thể tích cực đến nhà vận động các hộ gia đình để can thiệp ngăn chặn việc tảo hôn
 
“Bên nhà trai bảo cho hai đứa nhỏ làm đám hỏi trước, rồi từ từ mới cưới. Nhưng theo phong tục người H’rê thì đám hỏi thì hai đứa được sống chung như vợ chồng. Nên khi nghe cán bộ xã giải thích như vậy là tảo hôn, là không đúng với pháp luật nên tôi đã thuyết phục con tiếp tục học cho xong cấp 3 rồi mới tính tiếp”- chị Tung chia sẻ.
 
Trường hợp của gia đình chị Tung là một trong số hàng chục trường hợp mỗi năm được chính quyền xã Sơn Hạ phát hiện và can thiệp kịp thời. Đó là kết quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mà trong đó lực lượng trưởng thôn, già làng, hội phụ nữ đóng vai trò then chốt trong công tác tiếp cận và vận động thành công.
 
Xã Sơn Hạ nói riêng hay toàn huyện Sơn Hà nói chung, từng được xem là “điểm nóng” vì có số cặp tảo hôn cao nhất nhì tỉnh. Nên khi triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, chính quyền đã phải tích cực triển khai nhiều biện pháp để thu về “quả ngọt”. Nếu như năm 2016, toàn huyện Sơn Hà có 92 trường hợp tảo hôn, thì 9 tháng của năm 2019 chỉ còn hơn 20 cặp.
 
Bà Nguyễn Thị Thúy Viên- Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hạ cho hay, toàn xã còn lại khoảng 5 cặp tảo hôn, giảm hơn gấp 3 lần so với năm 2016. “Đây là một sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương. Bởi xã Sơn Hạ có hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống văn hóa của người dân còn thấp, các bậc phụ huynh ít quan tâm đến tâm lý của con cái giai đoạn đang phát triển nên dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn”- bà Viên chia sẻ.
 
Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền
 
Quảng Ngãi từng là địa phương có số cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống lên đến con số hàng ngàn cặp. Nhưng từ năm 2016, khi UBND tỉnh Quảng Ngãi thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, tình trạng này đã cải thiện.
 
Các hội thi sân khấu hóa để tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được triển khai rộng rãi
Các hội thi sân khấu hóa để tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng được triển khai rộng rãi
 
Trước năm 2016, 6 huyện miền núi của tỉnh là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, cùng với một số xã miền núi của huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành có đến 462 cặp tảo hôn. Đến năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 75 cặp. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã chấm dứt hoàn toàn.
 
Riêng ở huyện Ba Tơ, từ 161 cặp tảo hôn ở năm 2016, đến hiện tại đã giảm còn 30 cặp. Có được kết quả này là nhờ vai trò tiên phong gương mẫu của các già làng, trưởng bản, cán bộ tư pháp xã… đã tích cực tuyên truyền vận động gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
 
Ông Phạm Văn Dũng- Trưởng phòng dân tộc huyện Ba Tơ cho biết: Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn thì chúng tôi đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các xã để tăng cường công tác tuyên truyền miệng đến từng hộ gia đình có con trong độ tuổi sắp kết hôn.
 
Ngoài ra, còn tuyên truyền bằng phương pháp trực quan như panô, áp phích, loa đài, lưu diễn... Từ đó, mới nâng cao ý thức của người dân về tác hại của tảo hôn. Nhờ vậy, thời gian qua tình trạng tảo hôn tại địa phương giảm rất nhiều.
 
Hiểu được vai trò quan trọng của việc nâng cao nhận thức người dân nên thời gian qua các sở, ngành và địa phương tích cực tuyên truyền đến từng hộ gia đình về tác hại của tảo hôn
Hiểu được vai trò quan trọng của việc nâng cao nhận thức người dân nên thời gian qua các sở, ngành và địa phương tích cực tuyên truyền đến từng hộ gia đình về tác hại của tảo hôn
 
Thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương đã khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài công tác tuyên truyền, tập huấn, các hội thi sân khấu hóa cũng diễn ra sôi nổi ở các trường dân tộc nội trú, trung học phổ thông ở các huyện miền núi.
 
Ông Nguyễn Đức On- Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay: Điều quan trọng nhất là tuyên truyền cho từng bậc phụ huynh và thanh, thiếu niên hiểu được Luật Hôn nhân và gia đình, những nguy hiểm, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để chính họ biết phòng, tránh. Khi bà con chưa hiểu, cán bộ địa phương cần bám sát từng thôn, bản để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý ngay khi có thông tin về nguy cơ tảo hôn của một thiếu niên nào đó
 
Nhận thức của người dân vẫn là quan trọng nhất trong “cuộc chiến” chống tảo hôn. Hiểu được điều này nên các ban, ngành và địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú hơn. Với mục tiêu cuối cùng là nâng cao nhận thức của đồng bào và giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên

 


.