An toàn giao thông học đường: Bao giờ hết lo?

09:12, 25/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học, học sinh đi xe gắn máy đến trường không đội nón bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh vượt ẩu… là những mảng tối trong “bức tranh” an toàn giao thông (ATGT) học đường tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay. 

TIN LIÊN QUAN

Toàn tỉnh hiện có gần 670 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến bậc THPT với tổng số hơn 320 nghìn học sinh và trên 3.900 cán bộ, giáo viên. Hầu hết các cơ sở giáo dục đều có vị trí gần những tuyến giao thông đường bộ quan trọng tại địa phương, có lưu lượng người xe qua lại đông đúc.
 
Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một số học sinh, phụ huynh chưa cao, nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), việc đảm bảo ATGT cho học sinh là một trong những vấn đề cần được quan tâm và chú trọng đúng mức.
 
Trước thực trạng trên, trong những năm qua, công tác bảo đảm ATGT học đường luôn được các cấp, ngành quan tâm. Điều này thể hiện rõ qua những buổi tuyên truyền pháp luật ATGT cả trong chính khóa, ngoại khóa với sự tham gia của lực lượng cảnh sát giao thông và ĐVTN các cấp; đồng thời đã có nhiều cuộc thi, sân chơi về chủ đề ATGT dành riêng cho các trường học.
 
Tỉnh đoàn cũng đã triển khai xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” tại nhiều điểm trường. các hoạt động tuyên truyền về ATGT đã được tích cực thực hiện, nhất là vào thời điểm đầu năm học, các buổi khai giảng, chào cờ... 
 
Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được trong công tác bảo đảm ATGT học đường, song bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn còn hạn chế.
 
Tình trạng lộn xộn trước cổng trường mỗi giờ tan học và học sinh đi xe máy diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường học
Tình trạng lộn xộn trước cổng trường mỗi giờ tan học và học sinh đi xe máy diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường học
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào thời điểm khi tan trường, khu vực trước cổng trường ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh khá lộn xộn. Bởi học sinh “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường, gây ách tắc giao thông. Trong khi đó, một số phụ huynh đi đón con cũng đậu, đỗ xe dưới lòng đường, làm cho đoạn đường trước cổng trường vào giờ cao điểm tan học càng đông đúc hơn và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. 
 
Điều đáng nói, tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, cảnh tượng học sinh  “hồn nhiên” đi xe máy dung tích xi lanh trên 50 phân khối đến trường xuất hiện như “chuyện thường ngày”, thậm chí có nhiều em không đội mũ bảo hiểm, ngang nhiên phóng nhanh vượt ẩu. Đây cũng chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây mất ATGT cũng như ẩn họa tai nạn đối với các em. 
 
Theo số liệu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 11 người và bị thương 38 người có độ tuổi từ 7 đến dưới 18 tuổi, đa số nạn nhân là học sinh. Một số hành vi vi phạm phổ biến như: Không đội mũ bảo hiểm; điều khiển phương tiện là xe mô tô khi chưa đủ độ tuổi theo quy định; không có Giấy phép lái xe; chở quá số người quy định; đi xe dàn hàng ngang gây cản trở giao thông.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh vi phạm ATGT dù các nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở dưới nhiều hình thức, trong đó không thể nhắc đến vai trò của các bậc phụ huynh. Trên thực tế nhiều gia đình nuông chiều, giao cho các em phương tiện khi các em không đủ điều kiện điều khiển, chẳng hạn mô tô, ô tô. 
 
Sự phối hợp trong việc quản lý học sinh giữa nhà trường và gia đình còn hạn chế dẫn đến tình trạng “người nắn, kẻ buông”. Chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe. Ý thức của một bộ phận học sinh còn chưa cao khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 
 
 
Không những ở đồng bằng mà ở  khu vực miền núi, trình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường diễn ra như
Không những ở đồng bằng mà ở khu vực miền núi, trình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường diễn ra như "chuyện thường ngày".

 

Mới đây, phát biểu trong Hội nghị tập huấn nâng cao điều kiện ATGT khu vực trường học, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, những năm qua,  Sở GD& ĐT đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo công tác ATGT.

Trên thực tế đã đạt được kết quả hết sức đáng mừng, giảm cả 3 tiêu chí, số vụ, số người bị thương và số người chết. Tuy nhiên, có một thực tế đặt ra đối với ngành giáo dục là, đối tượng trực tiếp tham gia giao thông rất lớn, cho nên dù có làm tốt đến đâu cũng không tránh khỏi những tổn thương và mất mát đối với học sinh. 

“Thời gian qua, công tác tuyên truyền trong ngành nói chung và ở từng đơn vị trường học nói riêng dù triển khai nhưng nhận thức trong học sinh và giáo viên cũng chưa thật sự tốt; các em học sinh tham gia giao thông đi xe máy, xe đạp điện tương đối nhiều, song những trường hợp này nhà trường rất khó xử lý vì các em đa phần gửi xe ngoài trường học; đồng thời một nguyên nhân nữa là do lứa tuổi học sinh rất hiếu động đi trên đường dàn hàng 3,4 và có em thì không đội mũ bảo hiểm...đây là những nguyên nhân tiềm ẩn TNGT cho học sinh”- Phó Giám đốc Sở GD& ĐT Nguyễn Ngọc Thái nhìn nhận.

Ông Thái cho rằng, nếu Công an các địa phương, khi xử lý các học sinh vi phạm mà thông báo về cho trường học thì tình răn đe, giáo dục cao hơn. Chính vì vậy, thời gian tới, Công an khi xử lý học sinh vi phạm ATGT thì nên thông báo về trường học.

Cùng với ngành giáo dục, để đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, theo lãnh đạo Công an tỉnh, ngoài đẩy công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị địa phương, chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục huyện, TP, Ban Giám hiệu nhà trường, duy trì và nhân rộng mô hình "Văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên”; phối hợp vận động các hộ kinh doanh, buôn bán không chiếm dụng lòng đường hè phố, nhất là không giữ xe học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. 
 
Đồng thời, về phía gia đình, tùy thuộc vào độ tuổi của con em mà cũng cần có hướng dẫn về kỹ năng tham gia giao thông, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục về những tác hại, hậu quả của việc vi phạm trật tự ATGT. Có vậy, mới góp phần đưa “Văn hóa giao thông học đường” đi vào thực chất.
 
H.P

.