Gỗ rừng vẫn chảy về xuôi

11:05, 29/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong số hàng chục mét khối gỗ đang chờ bán đấu giá sung công quỹ, thì có đến 2/3 số lượng được lực lượng kiểm lâm các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ... cho biết không phải được khai thác trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Gỗ lậu từ ngoài tỉnh?

Giữa tháng 5.2018, chúng tôi có mặt tại Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây và nhận thấy, tại nhà chứa gỗ lậu mà đơn vị này bắt được có hàng chục khối gỗ nằm chỏng chơ. Đa phần là gỗ chò, ké, dỗi... và được xẻ thành phách.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây đang đo đếm số gỗ bắt được.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây đang đo đếm số gỗ bắt được.


Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sơn Tây Trương Quang Học cho biết, đây là gỗ từ huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Konplong (Kon Tum) vận chuyển sang đơn vị bắt được. Trên đường Đông Trường Sơn, một số trường hợp còn sử dụng xe tải lớn chở gỗ trái phép. "Nhiều vụ sau khi nhận tin báo, chúng tôi phối hợp với các lực lượng khác chốt chặn kiểm tra, nhưng đa phần đều có giấy tờ hợp lệ do hai huyện Konplong và Nam Trà My cấp phép, nên không có cơ sở để xử lý", ông Học cho biết thêm.

Theo ông Học, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trên địa bàn huyện gần như không có, chỉ một vài trường hợp nhỏ lẻ đốn hạ một hai cây để lấy gỗ làm nhà, nhưng đều phát hiện và xử lý kịp thời. Năm 2017, lực lượng chức năng bắt hơn 31,4m3 gỗ xẻ và tròn các loại. Những tháng đầu năm năm 2018 bắt, tịch thu 27m3 gỗ dỗi, chò, ké...

Tại huyện Ba Tơ, giáp ranh với rừng phòng hộ của tỉnh Kon Tum và Bình Đình, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép cũng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện đều cho rằng, số gỗ phách có giá trị mà đơn vị bắt giữ đều có nguồn gốc từ các tỉnh Tây Nguyên về, còn rừng phòng hộ tự nhiên ở địa phương không xảy ra tình trạng phá rừng.

Khó kiểm soát

Tại huyện Sơn Hà, tình trạng người dân vận chuyển gỗ trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Trong 3 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm đã bắt 13 vụ, với hơn 10m3 gỗ (6,2m3 gỗ tròn và 4,6m3 gỗ xẻ). Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà Bùi Đình Lĩnh cho biết, đa phần các vụ vận chuyển, mua bán gỗ xảy ra ở vùng giáp ranh với xã Sơn Lập (Sơn Tây) và khu vực lòng hồ chứa nước Nước Trong. “Việc khai thác, vận chuyển chủ yếu là ở nơi khác chuyển đến, trên địa bàn không xảy ra”, ông Lĩnh nói.

Để bắt được hơn 2m3 gỗ phách được xẻ thành phẩm tại xã Sơn Lập (Sơn Tây), Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sơn Tây Trương Quang Học cho biết, sau khi có tin báo, đơn vị cử anh em theo dõi phương tiện nhiều ngày và đến nửa đêm khi phương tiện này di chuyển vào địa phận huyện Sơn Tây, thì lực lượng chức năng mới yêu cầu dừng xe bắt giữ.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Tơ Đàm Minh Phong cho biết, đa phần các đối tượng chở gỗ lậu đều sử dụng ô tô hết đát di chuyển trên Quốc lộ 24 và khi phát hiện có lực lượng chức năng thì đối tượng tăng ga chạy với tốc độ cao. Hầu hết các phương tiện này đều mang biển số giả, xe được độ chế lại và phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, nên rất nguy hiểm đến tính mạng người đi đường. Nhiều vụ chúng tôi phải cho lực lượng chốt chặn ở cuối tuyến đường thì mới bắt được.

Bài, ảnh: PV   
 


.