Thí điểm nộp lệ phí trước bạ điện tử ô tô, xe máy tại 2 đầu tàu kinh tế

03:03, 17/03/2020
.
Theo Tổng cục Thuế, kể từ ngày 12/3, người dân tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể nộp lệ phí trước bạ (LPTB) điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Chính phủ, các kênh thanh toán điện tử của ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
 
Nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điện tử hóa các thủ tục hành chính qua phương thức dịch vụ công trực tuyến cũng như tạo thuận lợi cho người nộp thuế, thời gian vừa qua Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đi đôi với hiện đại hóa công tác thu nộp, đặc biệt là việc triển khai cung cấp dịch vụ cho người dân được nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy.
 
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đã quyết liệt tập trung, đẩy mạnh phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xây dựng hệ thống kết nối để tổ chức thực hiện triển khai thí điểm nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy.
 
Theo đó, người dân có thể nộp LPTB qua mạng trực tuyến đối với ô tô, xe máy đăng ký tại địa bàn Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh kể từ ngày 12/3.
 
Đây là giải pháp ngành thuế cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người nộp thuế (NNT), trước mắt NNT đăng ký ô tô, xe máy tại Hà Nội và TPHCM có thể nộp LPTB điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia của Chính phủ, các kênh thanh toán trực tuyến của ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, Agribank, VPBank, MBank BIDV) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (NAPAS, Momo) mà không cần sử dụng tiền mặt cũng như không cần đến trực tiếp ngân hàng hay kho bạc để nộp như trước đây. Ngoài ra, với dịch vụ này, người nộp lệ phí trước bạ không phải sử dụng chứng từ giấy để làm thủ tục tại Cơ quan đăng ký xe.
 
Việc thí điểm triển khai nộp lệ phí trước bạ điện tử sẽ tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế và chi phí của xã hội góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thu thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước.
 
Ngoài ra, việc này còn cho thấy sự quyết tâm cao của ngành thuế trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước và là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển, hiện đại hóa công tác quản lý thuế của các nước trong khu vực.
Được biết, các đơn vị đang thực hiện thí điểm 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến.
 
Ở thời điểm khai trương (tháng 12/2019), đến nay, Cổng DVCQG cung cấp 169 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 như: Nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận; Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại TPHCM và Hà Nội; Nộp thuế thu nhập cá nhân; Nộp thuế doanh nghiệp; Hủy và khai bổ sung tờ khai hải quan; Nộp thuế môn bài; Đăng ký khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Đăng ký khai sinh tại 45 địa phương và cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 58 địa phương...
 
Khẳng định sự cần thiết của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần “tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng chống tham nhũng,  hạn chế tiếp xúc, giao dịch trực tiếp giữa cán bộ công chức và người làm thủ tục”.  Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ, không gặp mặt trực tiếp góp phần phòng chống dịch bệnh.
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của nhiều đơn vị khi triển khai nhiệm vụ, trong đó có Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
 
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn

.