Những điểm mới của Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25.11.2015

09:06, 02/06/2016
.
 

(Baoquangngai.vn)- Pháp lệnh phí và lệ phí được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28.8.2001 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2002. Sau gần 13 năm áp dụng vào thực tế cuộc sống, Pháp lệnh phí và lệ phí đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Luật Phí, lệ phí đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25.11.2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017, đồng thời bãi bỏ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2011/PL-UBTVQH10.

Đây là một đạo luật quan trọng, với ý nghĩa là bước ngoặt mới trong quản lý phí, lệ phí, tạo hành lang pháp lý mới đầy đủ và đồng bộ hơn.

Luật được xây dựng với mục tiêu là thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí, khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp dịch vụ có thu phí, lệ phí. Theo đó, Luật Phí, lệ phí gồm 6 chương, 25 điều với một số nội dung thay đổi đáng lưu ý như sau:

Điểm mới thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, luật quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
 
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, luật nêu rõ: Luật này quy định về danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; miễn, giảm, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí. Về đối tượng áp dụng, luật quy định như sau: Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước (bao gồm cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, cá nhân liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Như vậy, so với pháp lệnh hiện hành thì luật không điều chỉnh đến các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.

Điểm mới thứ hai là về danh mục phí, lệ phí. Theo đó, để khuyến khích xã hội hóa, một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Trong đó, một số dịch vụ mặc dù đã chuyển sang cơ chế giá nhưng nhà nước vẫn cần quản lý giá. Như vậy, theo quy định tại danh mục phí, lệ phí được ban hành kèm theo Luật này sẽ bao gồm 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá.

Điểm mới thứ ba là những quy định về miễn, giảm phí, lệ phí. Theo đó, các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí gồm: trẻ em; hộ nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác...
 
Đồng thời, để tăng cường phân cấp quản lý phí, lệ phí, Luật Phí, lệ phí đã bổ sung thêm về thẩm quyền miễn, giảm phí, lệ phí như sau: Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật này.

 

Ảnh KT
 


Điểm mới thứ tư là về nội dung quản lý, sử dụng phí, lệ phí đã được cụ thể hóa trong luật và đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Cụ thể, luật quy định rõ: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ.

Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện, được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định sau: Số tiền phí được để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí cơ quan có thẩm quyền quyết định mức để lại cho tổ chức thu phí. Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hằng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách nhà nước; việc quản lý và sử dụng phí thu theo quy định của pháp luật.

Ngoài những nội dung nêu trên, luật còn quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của tổ chức thu phí, lệ phí, người nộp phí, lệ phí và của các cơ quan nhà nước về quản lý phí, lệ phí.

*Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Phí và Lệ phí

Ngày 10.5.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật Phí và Lệ phí; trong đó, nhận định Luật Phí và Lệ phí có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực. Do đó, công tác tổ chức triển khai, thực hiện cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân…

Việc rà soát các khoản phí và lệ phí theo quy định hiện hành để phân loại xử lý, làm cơ sở đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn hành văn bản quy phạm pháp luật mới về phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 01.01.2017 phải đảm bảo: Các khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí, nay không có tên trong Danh mục phí và lệ phí kèm theo Luật phí và lệ phí và luật chuyên ngành thì không được phép thu; các khoản phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí, nay thuộc Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về giá; các khoản phí, lệ phí dừng thu phải thực hiện kê khai quyết toán số tiền phí, lệ phí đã thu, đã sử dụng theo quy định hiện hành…

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ thực tế để ban hành văn bản thu phí, lệ phí cho phù hợp; không ban hành văn bản đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục phí và lệ phí nhưng chưa thấy cần thiết và chưa đủ điều kiện thu. Chưa thu loại phí, lệ phí có tên trong Danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí nhưng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

*Thông tư 61/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nộp lợi nhuận cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại Doanh nghiệp.

Ngày 11/04/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2016/TT-BTC hướng dẫn thu, nộp và quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quy định các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải nộp ngân sách Nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định.

Cụ thể, hàng quý, căn cứ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách Nhà nước của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý liền sau quý phát sinh nghĩa vụ nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ.
 
Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải khai quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách Nhà nước và nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn phải nộp (nếu có) chậm nhất vào ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ khai lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Đồng thời, doanh nghiệp chậm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách Nhà nước phải nộp tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước.
 
Trường hợp tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập của năm thấp hơn số lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm từ 20% trở lên, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số phải nộp theo quyết toán với số đã tạm nộp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/05/2016 và áp dụng cho niên độ từ năm 2016.

*Thông tư 66/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Theo Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày 29/04/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản, số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số phí BVMT đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước sẽ được cơ quan thu phí công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất trước ngày 31/03 hàng năm.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí BVMT với cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên; trường hợp trong tháng không phát sinh phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, người nộp phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai nộp phí với cơ quan thuế, thời hạn kê khai chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó; trường hợp  đất, đá khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự; phòng chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai, không phải nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/06/2016; áp dụng cho kỳ kê khai, nộp phí từ tháng 05/2016.

* Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015

Tăng thuế suất thuế tài nguyên với nhiều khoáng sản được quy địnhtại Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

Cụ thể, thuế suất thuế tài nguyên đối với sắt tăng từ 12% lên 14%; vàng tăng từ 15% lên 17%; đồng tăng từ 13% lên 15%; đất hiếm tăng từ 15% lên 18%… Với khoáng sản không kim loại, thuế suất thuế tài nguyên cũng tăng mạnh, trong đó, đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình tăng từ 4% đến 7%; đá, sỏi tăng từ 7% lên 10%; cát tăng từ 11% lên 15%; đất làm gạch tăng từ 10% lên 15%...

Đồng thời, với nước thiên nhiên, thuế suất thuế tài nguyên cũng tăng rõ rệt. Cụ thể, thuế suất thuế tài nguyên với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp tăng từ 8% lên 10%; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện tăng từ 4% lên 5%...

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013.

Khoa Thanh
 


.