Tác giả - Tác phẩm: Hình tượng Bác Hồ trong thơ

10:13, 17/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong lịch sử thơ ca cách mạng Việt Nam, hình tượng Bác Hồ đã trở thành một trong những đề tài để giới văn nghệ sĩ nghiên cứu, sáng tạo. Trong đó có nhiều tác phẩm mạng giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Du khách tham quan nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An).                                                                                                                                                                                                                            Ảnh: PV
Du khách tham quan nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An). Ảnh: PV

Bác Hồ là người “nâng niu tất cả chỉ quên mình”, đúng như lời Bác nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Trong tác phẩm “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Tình Bác cao lớn, mênh mông: “Bác mênh mông quá, phải không con?/ Như cả đất trời, cả núi non/ Như lá hoa bốn mùa tươi tốt/ Như rễ sâu tận đáy tâm hồn” (Tế Hanh - Cây Bác Hồ) và cũng rất cụ thể, gần gũi đối với từng số phận con người: “Trên đầu tóc Bác sương ghi,/ Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con” (Xuân Diệu - Thơ dâng Bác Hồ).

Người lo cho nước, cho dân, “chỉ biết quên mình, cho tất thảy”; một đời thao thức, trăn trở vì vận mệnh non sông: “Đêm nay Bác không ngủ/ Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh” (Minh Huệ - Đêm nay Bác không ngủ). Hồ Chí Minh là như vậy đó! Dù Bác đã đi xa, nhưng trong tâm khảm người Việt Nam, Bác vẫn sống mãi với non sông, với mọi người, mọi nhà: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà” (Trần Đăng Khoa - Ảnh Bác).

Kể cả những năm tháng đất nước còn chìm trong bom đạn quân thù, Bắc - Nam bị cắt chia đôi bờ giới tuyến, lòng người miền Nam vẫn hướng về Bác Hồ để vững tin Bắc - Nam là một, chung một bóng cờ: “Giặc kia muốn cắt sơn hà/ Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ,/ Hướng về sắc đỏ ngọn cờ/ Về ngày Nam - Bắc cõi bờ liền nhau” (Thanh Hải - Cháu nhớ Bác Hồ).

Nhân dân Tây Nguyên đục lên vách đá Trường Sơn dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm” như một lời hiệu triệu. Kẻ thù hiểu được sức mạnh của dòng chữ ấy nên chúng tìm mọi cách để xóa đi. Nhưng vách đá cheo leo, chẳng kẻ thù nào dám leo lên. Còn người Tây Nguyên đã vượt bao gian lao để khắc được dòng chữ, giờ có phải hy sinh cũng quyết bảo vệ dòng chữ thiêng liêng như chân lý tỏa ngời: “Lồng ngực con người căng trong bão tố/ Máu vọt ra mở đường cho vách đá bay lên/ “Hồ Chí Minh muôn năm!””(Thu Bồn - Vách đá Hồ Chí Minh).

Chính Người là nhân vật lịch sử quan trọng đã làm sống dậy sức mạnh diệu kỳ của lịch sử bốn nghìn năm: “Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương.../ Có Người, mỗi mũi tên đồng Cổ Loa/ Không chịu vùi dưới đất/ Không nằm yên trong viện bảo tàng/ Chúng bay lên xé gió thời gian/ Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử” (Nguyễn Khoa Điềm - Mặt đường khát vọng). Không chỉ là nhà cách mạng lỗi lạc, Người còn là một nhà văn hóa lớn: “Bên gối Bác còn ấm lời non nước/ Ánh hào quang sông núi tụ trên mình/ Bác chan hòa như biển lớn mông mênh/ Hồn dân tộc kết tinh hồn thời đại...” (Hải Như - Chúng con canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!).

Ngoài tư tưởng, đạo đức, phong cách để lại cho muôn đời sau, Người cũng để lại một gia tài văn học - nghệ thuật có giá trị lớn lao: “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp/ Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh/ Vần thơ của Bác, vần thơ thép/Mà vẫn mênh mông bát ngát tình” (Hoàng Trung Thông - Đọc thơ Bác).

Chính Người đã đặt nền móng cho nền thơ ca cách mạng và truyền cảm hứng đến các thế hệ nhà thơ Việt Nam, lôi cuốn cả những thi sĩ lãng mạn lừng danh trước cách mạng, truyền lửa để họ nhìn ra sứ mệnh của thơ ca, đem tài năng của mình phục vụ cho sự nghiệp chung: “Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc/ Thành một nhành hoa mát mắt cho đời/ Khi mỗi bước đi lên của lòng ta đều thấm tình giai cấp/ Ta biết trong đời ta Bác đã đến rồi” (Chế Lan Viên - Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi).

Có thể nói, bằng lòng kính yêu vô hạn với Bác Hồ, bằng những rung cảm tinh tế và tài năng của mỗi người, các nhà thơ Việt Nam đã để lại một gia tài thơ ca đồ sộ, góp phần thể hiện rõ nhất, đa dạng và phong phú nhất công lao, sự nghiệp, đạo đức, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thời đại.

MAI BÁ ẤN

Xuất bản lúc: 10:13, 17/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.