Xây dựng nông thôn mới: Gỡ khó tiêu chí nước sạch

13:45, 20/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân, cũng như thực hiện tiêu chí thành phần 17.1 về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước tập trung.

Niềm vui "có nước đạt chuẩn"

Sau gần 1 năm triển khai thi công, đến nay, công trình hệ thống nước sinh hoạt xã Trà Tân (Trà Bồng) có tổng mức đầu tư hơn 10,2 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành, mang lại niềm vui cho 3.200 người dân ở 4 thôn Trà Ngon, Trà Ót, Trường Biện và Trường Giang. Bà Hồ Thị Cúc, ở thôn Trà Ngon, cho biết, lâu nay gia đình sử dụng nước giếng khơi, nước khe suối qua lắng lọc nên không đảm bảo chất lượng. Từ khi sử dụng nước của công trình mới, tôi cũng như người dân trong thôn rất yên tâm, không phải lo sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh như trước.

Hệ thống nước sinh hoạt xã Trà Tân (Trà Bồng) cơ bản hoàn thành, đảm bảo cấp nước sạch cho 3.200 người dân trên địa bàn xã. 
Hệ thống nước sinh hoạt xã Trà Tân (Trà Bồng) cơ bản hoàn thành, đảm bảo cấp nước sạch cho 3.200 người dân trên địa bàn xã. 

Theo UBND xã Trà Tân, Hệ thống nước sinh hoạt xã Trà Tân hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ giải “cơn khát” nước sinh hoạt cho 3.200 người dân ở 4 thôn trên, mà còn giúp địa phương thực hiện tiêu chí thành phần 17.1 về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân Hồ Văn Huynh cho biết, nguồn nước trên địa bàn xã nhiễm phèn nghiêm trọng, riêng tại 4 thôn Trà Ót, Trà Ngon, Trường Biện và Trường Giang thì nước bị nhiễm chì và có màu đục, mùi hôi. Nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, hầu hết người dân để nước tự lắng lọc, chứ không đầu tư hệ thống lọc RO nên chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nên, khi công trình nước sinh hoạt hoàn thành, chính quyền và người dân rất phấn khởi vì được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của bộ tiêu chí  nông thôn mới (NTM).

Trong khi đó, hệ thống nước sinh hoạt tại thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp và các thôn Làng Reng, Làng Trê, Làng Giữa, xã Long Môn (Minh Long), với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng cũng giúp 500 hộ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Ông Đinh Văn Hương, ở thôn Hà Bôi cho biết, hệ thống nước được đầu tư đến tận nhà nên người dân thuận lợi trong việc đấu nối và sử dụng, không còn tình trạng “nắng thiếu nước, mưa nước đục” như trước.

Với mong muốn vừa giải “cơn khát” nước sạch cho người dân, vừa thực hiện chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng NTM, thời gian qua, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cấp nước sạch. Trong đó có việc rà soát và đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, mở rộng mạng lưới các công trình cấp nước sạch. Riêng Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 đang và sẽ đầu tư 43 công trình cấp nước sinh hoạt tại các khu vực khó khăn, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho người dân.

Tháo gỡ khó khăn về tiêu chí nước sạch

Tiêu chí số 17.1 của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 quy định, các xã phải có công trình cấp nước tập trung và ít nhất 20% số hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đây được xem là thách thức lớn đối với các xã miền núi trong thực hiện và hoàn thành các tiêu chí NTM, bởi hầu hết các công trình cấp nước tập trung có quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, hiệu quả mang lại chưa cao. Thực tế, có 133/513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động.

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp Đinh Văn Thiết cho biết, đặc thù xã miền núi là dân cư thưa thớt, địa hình rộng và chia cắt nên rất khó, thậm chí không thể xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã hoặc liên xã vì suất đầu tư sẽ rất lớn, trong khi hiệu quả hoạt động phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Vậy nên, phần lớn công trình cấp nước trên địa bàn xã chủ yếu là hệ thống cấp nước tự chảy, công nghệ đơn giản, hoặc người dân sử dụng nước giếng khơi và xem đây là nguồn nước hợp vệ sinh, nhưng chưa đáp ứng tiêu chí NTM.

Để đảm bảo chỉ tiêu cấp nước sạch tập trung xây dựng NTM, chính quyền các địa phương kiến nghị Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện các hệ thống cấp nước đạt tiêu chuẩn; đồng thời đầu tư mở rộng các công trình cũng như các tuyến ống cấp nước đến các thôn, xóm. Qua đó, giúp người dân tiếp cận với nguồn nước sạch, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chí NTM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương đề xuất, ngành chuyên môn cần xây dựng đề án cấp nước sạch gắn với tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung. Đối với tiêu chí thành phần 17.1 về tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, thì cần tính thêm phần máy lọc nước RO của từng hộ gia đình. Bởi đây cũng là một hình thức xã hội hóa trong đầu tư, phù hợp vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:45, 20/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.